Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội kiểm soát đấu thầu thuốc
Việc đấu thầu tập trung thuốc chữa bệnh hiện đã được Chính phủ giao Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện.
Theo Đề án Đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) trình Chính phủ năm 2016, Bộ Tài chính cho biết, hoạt động mua thuốc cho BHYT đang được thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.
Theo đó, có 5 loại hoạt chất được mua sắm tập trung cấp quốc gia do Bộ Y tế trực tiếp tổ chức đấu thầu; 106 loại hoạt chất được mua sắm tập trung cấp địa phương do sở y tế, chính quyền địa phương cấp tỉnh đấu thầu; 8 loại hoạt chất được mua theo phương thức đàm phán giá với các công ty dược; khoảng 800 loại hoạt chất còn lại do các cơ sở y tế tự mua.
Việc mua sắm thuốc tập trung dùng cho BHYT đã được thí điểm tại TPHCM từ năm 2014, cho kết quả tốt. Giá thuốc tham gia thí điểm giảm 25- 30% so với cách mua sắm truyền thống. Do đó, TPHCM đã tiết kiệm được khoảng 1.370 tỷ đồng tiền mua thuốc trong năm 2015.
Sẽ giúp công khai, minh bạch
Trao đổi với phóng viên ngày 12/9, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, việc đấu thầu thuốc tập trung qua mạng internet mang lại hiệu quả ở nhiều mặt, giúp minh bạch, giảm thiểu sự can thiệp của con người.
Mua sắm thuốc tập trung sẽ mua được với giá bán buôn nên rẻ hơn mua lẻ. Mua khối lượng càng lớn, giá càng hạ xuống.
“Quá trình triển khai đấu thầu thuốc tập trung vừa qua đã chứng minh tiết kiệm được 9%, trong khi đấu thầu thông thường là 7%. Đặc biệt có gói thầu giảm 40-50% so với vốn đầu tư ban đầu”, ông Đông cho biết.
Theo ông Đông, mua sắm công tập trung còn giúp kiểm soát tham nhũng tốt hơn. Cơ quan quản lý nhà nước thay vì kiểm tra hàng nghìn, hàng vạn đầu mối sẽ chỉ phải kiểm tra ở một đầu mối.
Quản lý tài chính dễ hơn, chi phí quản lý giảm đi vì giá mua chung, không ai có thể mua với giá hơn hoặc kém. Một trong những tác dụng quan trọng nhất của đấu thầu thuốc tập trung là tạo cơ hội để doanh nghiệp (DN) phát triển lớn mạnh thay vì nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay.
DN nào có sản phẩm tốt nhất, cạnh tranh nhất sẽ có cơ hội phát triển. Từ đó, DN có thể giảm chi phí, tích lũy năng lực tài chính, quản lý, đầu tư nghiên cứu phát triển để không bị đối thủ trên thị trường tranh mất vị thế hàng đầu, dần dần giúp DN vươn lên cạnh tranh ở thị trường quốc tế.
Video: 3 loại thuốc đắt nhất thế giới, chỉ đại gia mới đủ tiền mua
“Tuy nhiên, muốn làm được như trên, việc đấu thầu thuốc phải làm đúng một số nguyên lý kỹ thuật, đòi hỏi tỉ mỉ. Nếu cơ quan mua sắm công làm sai nguyên tắc sẽ không hiệu quả”, ông Đông khuyến cáo.
Ông Đặng Huy Đông cũng đánh giá, nếu “soi chiếu” theo kinh nghiệm quốc tế, mua sắm công tập trung toàn quốc chưa thực sự đạt kỳ vọng. Ông Đông kể một chuyên gia mua sắm của chương trình phòng chống HIV/AIDS của cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID từng nhận xét: “Tôi không hiểu tại sao Việt Nam lại mua thuốc tập trung theo bệnh viện, theo tỉnh? Chúng tôi đấu thầu mua cho toàn cầu mỗi loại thuốc HIV. Bằng cách đó mới có thể mua được thuốc chất lượng tốt nhất và giá tốt nhất”.
“Cái khó bây giờ là ý chí và sự đồng thuận. Nếu mọi bộ, mọi cơ quan đều coi lợi ích nhân dân trên hết là làm được. Mua sắm công kết hợp với đầu thầu qua mạng, hiệu quả gấp bội, giảm rủi ro tham nhũng và hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh quân đỏ”, ông Đông khẳng định.
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá kết luận, giao Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện công tác đấu thầu tập trung thuốc quốc gia trong tháng 8 năm 2017. Phó Thủ tướng yêu cầu phải kiên quyết “kéo” giá thuốc giảm từ 10 - 15% trong năm 2017.
Bình luận