• Zalo

'Đẻ thuê' kiếm nghìn đô mỗi ca

Kinh tếThứ Sáu, 27/07/2012 10:26:00 +07:00Google News

Thu nhập mỗi ca đẻ thuê là 5.000- 7.000 USD, tương đương mức thu nhập cả chục năm trời của người làm nông nghiệp tại nước này.

Thu nhập mỗi ca đẻ thuê là 5.000- 7.000 USD, tương đương mức thu nhập cả chục năm trời của người làm nông nghiệp tại nước này.

Số tiền mỗi phụ nữ nhận được sau mỗi ca đẻ thuê là 5.000- 7.000 USD tương đương với mức thu nhập cả chục năm trời của người làm nông nghiệp tại nước này. Ngành công nghiệp đẻ thuê không còn quá mới mẻ trên thế giới, nhưng giờ đây đang bùng nổ tại Ấn Độ bởi cả nguồn cung và cầu đều lớn.

Công nghiệp đẻ thuê bùng nổ

Ngày nay, trên thế giới có rất nhiều cặp vợ chồng mong muốn có con nhưng vì những lý do nào đó lại không thể thực hiện được bằng phương pháp truyền thống. Họ luôn muốn tìm đến những giải pháp an toàn với chi phí phải chăng để giúp mình trở thành cha mẹ của những đứa trẻ.

Hiện tại nhiều nước, đặc biệt là Ấn Độ ngành công nghiệp đẻ thuê đang thực sự bùng nổ, thu hút sự chú ý rất lớn và trở thành sự lựa chọn của nhiều cặp vợ chồng.

Ngành công nghiệp này không còn quá mới mẻ trên thế giới, nhưng có điều giờ đây, nhờ những bà mẹ Ấn Độ "đẻ giúp" đang trở thành một xu hướng mới đối với người phương Tây, đặc biệt là Anh, Mỹ.

Theo Telegraph, tại Ấn Độ ngành công nghiệp này có thể tạo ra doanh thu khủng 2,5 tỷ USD mỗi năm với khoảng gần 1.000 "nhà máy đẻ".

Ước tính, năm 2010, tại đây có khoảng 1.500 ca đẻ thuê, tăng 50% so với 2 năm trước đó. Và năm ngoái có khoảng 2.000 ca như thế.

Một báo cáo trên tạp chí Time chỉ ra rằng mỗi năm có hàng trăm lượt khách du lịch tới Ấn Độ với mục đích tìm kiếm dịch vụ này khiến cho Ấn Độ trở thành trung tâm "đẻ mướn" của thế giới.

 

Khách hàng từ Anh - Mỹ

Anh được cho là khách hàng lớn nhất của "nhà máy" đẻ thuê Ấn Độ. Tờ Sunday Telegraph đưa tin, nhiều trong số gần 1.000 "nhà máy đẻ" không được kiểm soát tại Ấn Độ chuyên phục vụ nhu cầu của các cặp vợ chồng người Anh muốn có con.

Năm 2011, có khoảng 1.000 trong tổng số 2.000 ca đẻ thuê tại Ấn Độ phục vụ cho người Anh. Trong khi đó tại nước Anh chỉ có khoảng 100 ca.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nhiều chủ ngân hàng, quan chức chính quyền, giám đốc và thậm chí là nhiều bác sĩ cũng đã trở thành những ông bố bà mẹ nhờ vào dịch vụ đẻ thuê tại Ấn Độ.

Josh, 29 tuổi và Matt 32 tuổi, người Mỹ kết hôn vào tháng 11 năm ngoái và họ không thể sinh con theo cách truyền thống. Nhưng có một gia đình cùng với những đứa con với họ là một điều rất quan trọng. Sau khi cân nhắc trước nhiều lựa chọn, cặp đôi này đã quyết định sử dụng dịch vụ đẻ thuê ở Ấn Độ.

Theo đó, người phụ nữ Ấn sẽ mang bầu và sinh con thay những cặp vợ chồng có nhu cầu dưới nhiều hình thức. Có thể lấy trứng đã thụ tinh, hay chính những phụ nữ này sẽ là người hiến tặng trứng..., tùy theo nguyện vọng của khách hàng.

Chi phí trung bình cho dịch vụ này tại Ấn rẻ hơn nhiều so với ở Mỹ, chỉ khoảng 25.000- 30.000 USD. Con số này không bằng 1/5 tổng chi phí cho mỗi ca đẻ thuê tại Mỹ (khoảng 160.000 USD).

Ban đầu Matt và Josh định lựa chọn dịch vụ này tại Mỹ nhưng thủ tục lại mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa chi phí bỏ ra lại khá lớn. Sau quá trình tìm hiểu, hai vợ chồng được biết hiện đang có xu hướng nhờ sinh con ở nước ngoài, đặc biệt là Ấn Độ.

Điều hấp dẫn các cặp vợ chồng phương Tây là dịch vụ được thực hiện nhanh gọn với chi phí thấp. Hơn nữa, tại Ấn Độ, những phụ nữ sinh thuê ít có những vấn đề liên quan đến rượu, thuốc lá hay ma túy như ở Mỹ. Điều đó sẽ giúp họ yên tâm hơn về sức khỏe cho đứa con.

Sự lựa chọn của những bà mẹ đẻ thuê

Tại sao phụ nữ Ấn Độ lại quan tâm đến việc sinh con giúp người nước ngoài?

Cũng không quá ngạc nhiên khi phần lớn những phụ nữ đẻ thuê tại Ấn Độ là những người nghèo khổ. Số tiền nhận được sau mỗi lần đẻ thuê là 5.000- 7.000 USD- tương đương với mức thu nhập cả chục năm trời của người làm nông nghiệp tại nước này.

Xung quanh vấn đề này, đã có rất nhiều tranh cãi. Có người cho rằng, liệu những bà mẹ đẻ mướn có hiểu được họ đang làm gì? Họ có nhận được những hỗ trợ và tư vấn về kiến thức cần thiết? Và họ sẽ cảm thấy như thế nào khi phải "trả" lại đứa trẻ mà họ một thời gian dài mang nặng đẻ đau? Đấy là còn chưa kể đến chuyện có những cặp vợ chồng người Tây chỉ nhìn nhận họ và những đứa trẻ như một món hàng để trao đổi mua bán.

Tuy nhiên, không ít người cho rằng không có gì phải quá ầm ĩ. Tại một trung tâm cung cấp dịch vụ đẻ thuê, một bác sĩ nói: "Một phụ nữ đẻ thuê được trả số tiền có khi còn nhiều hơn cả thu nhập cả đời họ. Họ đang làm cái điều mà họ cho là tốt và tự hào về nó. Sinh một đứa trẻ cho những cặp vợ chồng đang khao khát có một mái ấm hoàn thiện trong khi nhờ đó, họ lại có thể nuôi sống cả gia đình. Vậy có gì là sai trái ở đây?"

Không thể phủ nhận một thực tế là ngành công nghiệp đẻ thuê của Ấn Độ đã và đang mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng phương Tây mong muốn có một mái ấm hoàn thiện. Tuy nhiên, để quản lý tốt hơn ngành công nghiệp đang phát triển này, Bộ Y tế Ấn Độ gần đây đã soạn thảo bộ luật đẻ thuê đầu tiên trong đó có những quy định chi tiết về những điều kiện đặt ra cho những người tham gia vào dịch vụ này.

Theo VEF

Bình luận
vtcnews.vn