Sáng 15/3, các học sinh lớp 12 trên địa bàn TP Hà Nội bước vào môn thi Ngữ Văn - môn đầu tiên trong đợt thi thử THPT quốc gia 2018.
Đề thi gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm), hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút.
Trong phần làm văn, gồm câu nghị luận xã hội (2 điểm) yêu cầu trình bày suy nghĩ về cách để mỗi người có thể tận hưởng cuộc sống một cách thực sự.
Câu nghị luận văn học (5 điểm) yêu cầu trình bày cảm nhận về khát vọng tình yêu tuổi trẻ ở các đoạn thơ.
Điểm mới của đề thi năm nay là có khoảng 30% kiến thức nằm trong chương trình lớp 11, kết thúc 120 phút làm bài, nhiều học sinh cho biết đề thi khá sát với chương trình học, có tính phân loại học sinh.
Tại điểm thi trường THPT Việt Đức, Vũ Ngọc Quỳnh Nhi, học sinh lớp 12D3, chia sẻ: “Em thấy đề thi khá bám sát với chương trình học. Tuy nhiên vẫn hơi khó với những bạn học chương trình cơ bản. Thông thường câu so sánh điểm giống và khác giữa các tác phẩm văn học sẽ thường thấy trong đề thi dành cho học sinh giỏi nhiều hơn. Việc tìm ra những điểm chung giữa 2 đoạn thơ khiến học sinh nếu chưa làm quen sẽ phải mất thời gian tư duy và sắp xếp bố cục bài viết".
Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội khá hay, khi hỏi về những vấn đề thực tế, thí sinh có thể đưa ra những quan điểm cá nhân riêng theo nhiều hướng khác nhau.
Ngoài ra, thí sinh này cho biết, việc xuất hiện câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 11 cũng khó hơn cho thí sinh, yêu cầu học sinh phải có tư duy hệ thống, xâu chuỗi kiến thức đã học. Em hy vọng đề thi chính thức năm nay không quá khó đến mức đánh đố, nhưng cũng không quá dễ như năm ngoái, dẫn đến 10 điểm một môn vẫn không đỗ.
Còn theo Hải My, học sinh lớp 12A5, đề thi thử môn Ngữ Văn của Hà Nội năm nay kiến thức khá rộng và dài, có tính phân loại học sinh khá rõ.
“Em nghĩ rằng đề thi này có tính phân loại ngay trong phần đọc hiểu và phần làm văn. Để đạt được khoảng trên 8 điểm với đề thi này không hề dễ. Em thích câu nghị luận xã hội khi hỏi học sinh về việc tận hưởng cuộc sống một cách thực sự. Đây là vấn đề rất thiết thực và gần gũi với học sinh phổ thông".
"Thực tế, vẫn có một bộ phận giới trẻ chỉ biết hưởng thụ cuộc sống trên sức lao động của bố mẹ. Nhưng sự tận hưởng cuộc sống thực sự chỉ trọn vẹn khi bản thân đã biết cống hiến, tự tạo ra cho bản thân những giá trị để có thể tận hưởng. Phần làm văn hỏi về khát vọng tình yêu tuổi trẻ của 2 đoạn thơ trong trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu và “Sóng” của Xuân Quỳnh khá hay nhưng không dễ. Đây là câu có tính phân loại học sinh giỏi”, Hải My cho biết thêm.
Nguyễn Phương Linh, học sinh lớp 12A4, lại cho rằng, câu nghị luận xã hội trong đề thi thử năm nay có ý nghĩa thiết thực với các học sinh lớp 12 khi đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, phải lựa chọn ngành nghề và công việc ưa thích, phù hợp.
Linh chia sẻ: “Đọc đề thi này em nghĩ rằng bất kỳ ai cũng nên lựa chọn cho mình những công việc thực sự phù hợp, cống hiến hết mình vì những lý tưởng của tuổi trẻ, khi ấy, dù không cần phải đến những chốn xa hoa, dùng điện thoại đắt tiền, vẫn được tận hưởng cuộc sống. Muốn tận hưởng trọn vẹn, trước tiên cần tận hiến”.
Học theo các môn khối A, Trần Xuân Bách, lớp 12A5 thấy đề thi khá khó. Làm được khoảng 50% đề thi, Bách cho rằng, đề thi dài và kiến thức khá rộng.
“Sau buổi thi thử hôm nay, em nghĩ cần tập trung hơn nữa trong việc ôn thi để có thể đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi chính thức sắp tới”, Bách bộc bạch.
Kết thúc môn thi Ngữ Văn, chiều nay, các học sinh lớp 12 trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tiếp tục làm bài thi thử môn Toán, thời gian làm bài 90 phút, hình thức trắc nghiệm khách quan.
Video: Đề thi tham khảo THPT Quốc gia 2018 khó 'mưa' điểm 10
Bình luận