Tại cuộc họp thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 10/8, trả lời phóng viên VTC News về câu hỏi số 118, mã đề 310 môn Giáo dục công dân đưa ra các đáp án chưa chặt chẽ, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết, nội dung câu hỏi nằm trong bài 4 trang 38 sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 12 hiện hành.
Để phân tích sâu hơn về nội dung này cần có thời gian. Tới đây các chuyên gia sẽ có ý kiến, nếu cần thiết Hội đồng ra đề thi sẽ có thông tin thêm.
Ngay khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp có nhiều tranh cãi liên quan câu hỏi số 118, mã đề 310 môn Giáo dục công dân về quyền bình đẳng trong kinh doanh. Theo các chuyên gia, câu hỏi và các đáp án đang mâu thuẫn với quy định hiện hành của luật pháp nước ta.
Đề bài như sau:
Trên cùng một địa bàn, khách sạn của chị X và khách sạn của chị Y đều chưa trang bị đầy đủ thiết bị phòng, chống cháy nổ theo quy định.
Trong một lần kiểm tra, phát hiện sự việc trên nhưng ông B là cán bộ có thẩm quyền lập biên bản xử phạt chị X mà bỏ qua lỗi của chị Y vì chị Y là em họ của ông.
Biết chuyện, em trai chị X là anh C làm nghề tự do đã bịa đặt việc chị Y sử dụng chất cấm để chế biến thức ăn khiến lượng khách hàng của chị Y giảm sút. Những ai sau đây vi phạm quyền bình đẳng trong kinh doanh?
A. Chị Y, chị X và anh C
B. Chị Y, ông B và anh C
C. Chị X, chị Y và ông B
D. Chị X, ông B và anh C
Luật sư Phạm Văn Ngọc, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, các đáp án được đưa ra trong câu hỏi trên chưa chưa hợp lý. Bởi, hiện nay khái niệm về quyền bình đẳng trong kinh doanh chưa có trong các văn bản pháp lý quan trọng, nhưng ta có thể căn cứ vào từ nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của công dân để lý giải.
Theo đó, trong Hiến pháp năm 2013 quy định, bình đẳng trước pháp luật là mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng ngang nhau trước pháp luật, không phụ thuộc vào dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Do vậy, quyền bình đẳng trong kinh doanh chính là các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quan hệ kinh tế đều có quyền bình đẳng ngang nhau trước pháp luật; các doanh nghiệp đều hưởng quyền và nghĩa vụ hợp pháp theo quy định pháp luật, không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội,…
Tuy nhiên, trong câu hỏi môn Giáo dục công dân đưa ra dữ liệu bà X và Y đều là các chủ thể vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo điều kiện kinh doanh khi chưa trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy cho khách sạn của mình.
Khi ông B không xử phạt đối với trường hợp của bà Y do quan hệ họ hàng, tạo ra sự bất bình đẳng trong việc sai phạm này.
Còn với hành vi của anh C, là hành vi có dấu hiệu xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của bà Y thì cũng không thể xác định anh C có vi phạm bình đẳng trong quan hệ kinh doanh trong trường hợp này. Do vậy, cả 4 đáp án đều chưa thoả mãn được các yếu tố luật hiện hành.
Ngược lại, luật sư Ngô Thị Lý, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, các dữ liệu trong câu hỏi đưa ra không sai. Trong tình huống này chị X và Y vi phạm ở nội dung bình đẳng về nghĩa vụ không bảo đảm an toàn trong kinh doanh. "Nếu là tôi thì tôi sẽ chọn đáp án C (chị X,Y và ông B)", luật sư Lý nói.
Bình luận