Thông tin từ UBND huyện Thọ Xuân cho biết, ngày 13/10, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao khiến đoạn đê sông Chu ở địa bàn xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân đã xuất hiện vết nứt cung sạt dài hơn 250m, từ km 17 đến km17+250, có độ sâu 1,5m, rộng 15cm.
Sáng 14/10, trả lời VTC News, ông Trịnh Bá Lập, Chủ tịch UBND xã Thọ Trường cho biết vết nứt trên có xu hướng ngày càng dài và rộng thêm, đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của hơn 1000 hộ dân trong xã.
“Từ mấy hôm nay toàn xã chúng tôi mất ăn mất ngủ với đoạn đê này, vết nứt của đê kéo dài hết sức nguy hiểm. Từ chiều qua, nước sông có dấu hiệu đang hạ dần xuống và chúng tôi cũng đã huy động toàn bộ lực lượng tham gia gia cố song phải nói là sức cũng có hạn, nên chỉ gia cố lại được phần nào”, ông Lập nói.
Theo ông Lập, ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền xã Thọ Trường đã báo cáo với UBND huyện Thọ Xuân và huy động 1.500 người dân địa phương tiến hành gia cố bằng bạt nhằm khắc phục bước đầu để không cho nước ngấm vào thân đê qua vết nứt…
Đến chiều 13/10 đã cơ bản xử lý được vết nứt. Hiện nay xã đã phân công cán bộ túc trực 24/24 để theo dõi và xử lý khi có tình huống xảy ra.
Trước đó, vết nứt này đã xuất hiện từ ngày 9/10 với chiều dài khoảng 50m, chính quyền xã đã huy động 7.000 công lao động, sử dụng 10.000 bao bì, 3.000 m3 đất…để xử lý vết nứt. Tuy nhiên, do từ các ngày 10 – 12/10, lượng mưa lớn, nước lũ trên sông Chu dâng cao và chảy xiết đã tạo áp lực lớn khiến vết nứt của đê ngày càng dài và rộng thêm.
Về phương án di dời người dân, ông Trịnh Bá Lập cho biết: “Chúng tôi cũng đã tính đến phương án xấu nhất. Nếu như theo dõi thấy sức chịu của đê đã xử lý không đạt, chúng tôi sẽ lập tức tổ chức di dời người dân ngay, an toàn tính mạng của người dân vẫn là trên hết. Nhưng theo dõi từ hôm qua đến nay chúng tôi thấy chưa có dấu hiệu nứt thêm và nước sông cũng đang rút xuống dần nên phương án di dời được tạm hoãn lại”.
Ông Lập cho biết, nếu di dời dân thì có thể sẽ phải di dời gần như toàn bộ người dân trong xã sống ở trong đê với 1.167 hộ.
“Điều chúng tôi lo lắng nhất lúc này là thông tin cơn bão số 11 lại sắp đổ bộ vào đất liền và trong đó có Thanh Hóa. Nếu bão đổ bộ vào mạnh và lại xảy ra mưa lớn, nước sông Chu dâng cao như mấy ngày vừa qua thì cũng không biết đoạn đê trên có đủ sức chịu được không. Lúc đó chắc chắn sẽ phải thông báo và tổ chức di dời người dân ngay. Các phương án và kế hoạch chúng tôi đều đã chuẩn bị sẵn sàng cả rồi”, ông Lập nói.
Video: Đê vỡ ở Thanh Hóa, ném cả máy múc xuống chèn đê cứu dân
Bình luận