Ngày 29/8, TAND Tối cao tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).Bị cáo Bình tại phiên xử.
HĐXX đã thẩm vấn các bị cáo liên quan đến sai phạm trong thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định), bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Diesel Cái Lân, dự án mua tàu Hoa Sen.
Liên quan đến việc phá dỡ, bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại 18,7 tỉ đồng, 2 bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu và Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin, đều cho rằng việc bán vỏ tàu là cần thiết và hợp lý vào thời điểm đó vì vừa giải quyết được vốn cho Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu lại vừa giảm chi phí lưu kho bãi, mỗi năm khoảng 12 tỉ đồng.
“Về nguyên tắc, mọi tài sản của các công ty thành viên đều thuộc sở hữu của tập đoàn nhưng cũng có phân cấp, bàn giao cho Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu quản lý, thực tế là tài sản của Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu” - bị cáo Bình biện minh.
Kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKSND Tối cao thực hành quyền công tố tại tòa phát biểu kết luận vụ án, khẳng định các căn cứ pháp lý, hồ sơ tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được có đủ cơ sở quy kết tội danh cho các bị cáo; án sơ thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội, không oan.
VKSND cho rằng án sơ thẩm đã xem xét thấu đáo tất cả các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, xử phạt các bị cáo với các mức án (từ 10 năm đến 20 năm tù) là phù hợp, không nặng so với hành vi phạm tội của các bị cáo. Tại phiên phúc thẩm, không bị cáo nào đưa ra được tình tiết mới để xem xét giảm nhẹ.
Riêng việc bị cáo Trịnh Thị Hậu, nguyên phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy (VFC), kháng cáo kêu oan, VKSND Tối cao đã viện dẫn các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án liên quan đến dự án mua tàu Hoa Sen, dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng, dự án mua tàu Bình Định Star với các hành vi như: không thẩm định hồ sơ xin vay vốn, ký bảo lãnh cho vay, giải ngân các khoản vay không đúng nguyên tắc, gây thiệt hại trên 30 tỉ đồng.
Thái độ khai báo của bị cáo Hậu tại phiên tòa phúc thẩm vẫn không thành khẩn, quanh co chối tội, do đó không có căn cứ xem xét giảm nhẹ.
Phía luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX lưu tâm đến những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo. Với bị cáo Phạm Thanh Bình, luật sư đề nghị tòa xem xét “hoàn cảnh” Vinashin mới được Chính phủ thành lập “thí điểm”, mới hoạt động còn nhiều lúng túng, trong đó nhiều cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để tập đoàn hoạt động còn thiếu sót, chưa đồng bộ và bộc lộ nhiều bất cập.
Ngoài ra, còn có nhiều lý do khách quan và chủ quan khác như: khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu năm 2008, Vinashin phải chịu tác động nặng nề về thị trường và nguồn vốn, nhiều hợp đồng đóng tàu bị hủy; trình độ cán bộ quản lý của tập đoàn có mặt hạn chế, không theo kịp với đà “tăng trưởng nóng” của ngành đóng tàu …
Kết thúc phần tranh tụng, HĐXX nghỉ để nghị án. Dự kiến, phiên tòa sẽ tiến hành phần tuyên án vào hôm nay (30/8).
Theo NLĐ
Đề nghị y án sơ thẩm với cựu chủ tịch Vinashin
VKSND Tối cao thực hành quyền công tố tại tòa khẳng định có đủ cơ sở quy kết tội danh cho các bị cáo; án sơ thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội, không oan.
VKSND Tối cao thực hành quyền công tố tại tòa khẳng định có đủ cơ sở quy kết tội danh cho các bị cáo; án sơ thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội, không oan.
Bình luận