• Zalo

Đề nghị phạt Phạm Công Danh 20 năm tù, Trầm Bê 5-6 năm tù

Pháp luậtThứ Hai, 22/01/2018 12:36:00 +07:00Google News

Đại diện VKS đề nghị hình phạt bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù, bị cáo Trầm Bê 5-6 năm tù về tội ‘Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.

Sáng 22/1, sau 2 tuần xét hỏi, phiên xử đại án Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần luận tội của đại diện VKS.

dsc_4012-8-1102465 4

Sáng 22/1, phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh tiếp tục với quan điểm luận tội từ đại diện VKS.

Quá trình điều tra và xét hỏi tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tuy nhiên bị cáo cho rằng áp lực từ việc tăng vốn điều lệ, chi trả chăm sóc khách hàng nên mới phải vay tiền.

Đại diện Việt kiểm sát nhận định số tiền hơn 6.000 tỷ đồng thất thoát là số tiền đặc biệt lớn, đến nay vẫn chưa thể thu hồi cho Ngân hàng Xây Dựng.

Do đó, đại diện VKS đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng với Phạm Công Danh và cần xử phạt ở mức cao nhất của khung hình phạt.

Theo đó, Phạm Công Danh bị đề nghị 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt bị cáo Danh phải chấp hành là 30 năm tù.

Riêng bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) đã giới thiệu Phạm Công Danh với nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền hợp pháp hóa thủ tục giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ khống, gây thiệt hại cho VNCB 1.840 tỷ đồng.

Trầm Bê bị VKS đề nghị phạt 5-6 năm tù tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

26793401_1530960027025198_649918136_n-0921249

VKS đề nghị xử Phạm Công Danh 20 năm tù, Trầm Bê 5-6 năm tù.

Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng xây dựng) bị đề nghị 13-15 năm tù cùng về tội danh trên. Tổng hợp bản án phúc thẩm là 30 năm tù.

Bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) bị đề nghị 11-13 năm tù, tổng hình bản án cũ là 30 năm tù.

Bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) bị đề nghị 4-5 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 23-24 năm.

Bị cáo Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban kiểm soát VNCB) bị đề nghị 6-7 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 16-17 năm.

Bị cáo Phan Minh Tùng (Kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh) bị đề nghị 5-6 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 12-13 năm.

Bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) bị đề nghị 4-5 năm tù. Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ Lộc Việt) bị đề nghị 6-7 năm tù.

36 bị cáo khác là giám đốc các công ty "ma", giám đốc, phó giám đốc các ngân hàng bị đề nghị từ 2-5 năm tù và cho hưởng án treo.

Về nghĩa vụ dân sự trong vụ án, VKS đề nghị HĐXX tuyên buộc Phạm Công Danh và các bị cáo khác liên đới bồi thường hơn 6.000 tỷ đồng cho VNCB.

Riêng bị cáo Nguyễn Việt Hà (Giám đốc công ty Quỹ Lộc Việt) phải nộp lại 69 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính.

Bên cạnh đó, đại diện VKS nhận định nếu không có hành vi sai phạm của một số cá nhân tại 3 ngân hàng TPBank, BIDV và Sacombank thì Phạm Công Danh không thể vay tiền tại các ngân hàng này, gây thất thoát cho VNCB.

Vì vậy, đại diện VKS đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện KSND tối cao xử lý theo quy định đối với một số cá nhân tại 4 ngân hàng VNCB, TPBank, BIDV và Sacombank.

Video: Phạm Công Danh xin phép tòa giảm nhẹ cho các giám đốc 'bù nhìn'

 

Cáo trạng thể hiện năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần tiền nhưng không thể vay trực tiếp tại ngân hàng VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và tập đoàn Thiên Thanh (do Danh sáng lập), sử dụng 29 lượt pháp nhân công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập hồ sơ khống vay tiền tại các ngân hàng TPBank, Sacombank, BIDV.

Phạm Công Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay.

Sau khi cho các công ty vay tiền, 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ số tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng.

Do các công ty lập hợp đồng vay khống, không thực hiện phương án kinh doanh như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có khả năng trả nợ.

 Ngân hàng VNCB bảo lãnh cho các công ty nhưng không yêu cầu các công ty cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bão lãnh. Từ đó VNCB bị thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng.

Minh Hải
Bình luận
vtcnews.vn