• 24
  • Zalo

Đề nghị làm rõ quy định CSGT được trích lại 70% tiền xử phạt

Tin nóngThứ Sáu, 15/03/2024 14:18:47 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề xuất trích trên 70% tiền phạt vi phạm giao thông cho CSGT cần phải có báo cáo tác động đến ngân sách Nhà nước.

Sáng 15/3, tiếp tục phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại Điều 5 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: "Lực lượng CSGT được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng CSGT".

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Thảo luật về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là đề xuất mới tại dự thảo và Chính phủ phải có báo cáo tác động đến ngân sách Nhà nước, tính phù hợp với các luật có liên quan.

"Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định rất rõ, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước và được quản lý đúng quy định về ngân sách Nhà nước", ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Khẳng định việc đầu tư cho lực lượng CGST và cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, việc trích 70% tiền thu được thì cần phải xem xét.

"Tôi cho rằng nếu theo dự thảo luật thì không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tiếp đến là chúng ta có rất nhiều đối tượng xử phạt vi phạm hành chính, tại sao mỗi lĩnh vực này trích 70%, các lĩnh vực khác thì không có quy định trích? Chỗ này cần phải làm rõ", ông Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề và đề nghị nên thiết kế nguyên tắc chung về chính sách như dự thảo luật mà Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6.

Liên quan đến quy định trích lại không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nhận xét đây là quy định mới so với dự thảo Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6 và mới so với Nghị quyết 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe. Quy định này cũng không phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Ông Hoàng Thanh Tùng phân tích, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định toàn bộ số tiền xử lý tài sản công (biển số xe là tài sản công) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc Nhà nước, sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến xử lý tài sản, phần còn lại phải được nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.

Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, tại Điều 37 dự thảo luật này (quy định về đấu giá biển số xe) cũng quy định khác.

Cụ thể, khoản 10 điều 37 quy định: "Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá, chi phí quảng cáo, chi phí quản trị hệ thống đấu giá và chi phí khác được nộp vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước".

"Nếu đưa chính sách trích lại 30% vào Điều 5 cũng không thống nhất trong nội tại dự thảo, không thống nhất với chính sách chung và các luật có liên quan. Chúng tôi đề nghị phải giải trình làm rõ hơn, theo tinh thần nên như dự thảo luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói thêm.

10
Độc đáo
10
Xúc động
7
Sáng tạo
48
Bổ ích
37
Phẫn nộ
112 đã tặng
Bình luận (24)
vtcnews.vn
vtcnews.vn

Tạo tiền lẻ rất xấu nếu thông qua đề xuất trên vì cảnh sát giao thông là lực lượng đã được hưởng mức lương rất cao và nhiều khoản phụ cấp vậy tại sao lại được trích lại như vậy để sử dụng làm gì tiền đó phải nộp vào ngân sách Nhà nước toàn bộ để tu bổ và tăng giao thông và giáo dục giao thông thì mới đúng không đành tạo ra một tiền lệ xấu như vậy ngành nào cũng phải thực thi theo đúng pháp luật không có bất cứ lĩnh vực nào là đặc biệt quan trọng,,vv

3
12 tháng trướcPhản hồi
vtcnews.vn

Trích sau khi nộp vào ngân sách trung ương. Nghĩa là vẫn nộp hết vào ngân sách theo luật và sau đó mới trích?

12 tháng trướcPhản hồi
vtcnews.vn

đồng ý với ý kiến trên , nộp vào ngân sách nhà nước , để cân đối thu chi cho cả nền kinh tế

4
12 tháng trướcPhản hồi
vtcnews.vn

Chúng ta nên nộp tiền vào ngân sách nhà nước, sau đó ngành công an có kế hoạch xây dựng chi cho đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông từ nguồn ngân sách nhà nước

4
12 tháng trướcPhản hồi
vtcnews.vn

Bản thân tôi thấy nên nộp toàn bộ số tiền xử phạt vào ngân sách nhà nước để quy về một mối để bảo đảm tính công bằng và minh bạch.

7
12 tháng trướcPhản hồi
vtcnews.vn

70% nên đầu tư vào hệ thống giao thông đường bộ, công trình đảm bảo an toàn giao, hệ thống giao thông công cộng chứ không phải tăng cường lực lượng bắt giữ vi phạm

13
12 tháng trướcPhản hồi
vtcnews.vn

bây giờ người đi làm công tác giữ gìn trật tự xã hội cũng được trích hoa hồng, cạn lời!

16
12 tháng trướcPhản hồi
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục
Xem nhiều
Tin mới