Vụ xử lý kỷ luật ông Võ Kim Cự được cho là một vụ "điển hình" vì thể hiện tính nghiêm minh của Đảng trong xử lý nghiêm khắc đối với các cán bộ đảng viên sai phạm, nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc xử lý của Đảng "hơi muộn" vì sai phạm của ông Cự đã diễn ra từ nhiều năm trước đó.
VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Như Tiến, nguyên ĐBQH khóa 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để làm rõ hơn về vấn đề này.
- Thưa ông, ông nhận xét gì về vụ kỷ luật ông Võ Kim Cự vừa qua, đây có phải là một “vụ điển hình” để làm bài học cho những cán bộ khác?
Tôi nghĩ rằng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTW) và sau đó là hình thức kỷ luật của Ban Bí thư Trung ương đối với trường hợp sai phạm của ông Võ Kim Cự là có những cơ sở.
Quyết định của Ban Bí thư sau khi đó còn nêu rõ ông Võ Kim Cự - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UNND tỉnh Hà Tĩnh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh giai đoạn 2008 - 2016 và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010.
Video: Tài sản khủng của Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái
Cụ thể, ông Võ Kim Cự đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư; giao và cho thuê mặt nước biển; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định, thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án.
Ban Bí thư Trung ương Đảng còn nêu rất rõ vi phạm, khuyết điểm của ông Cự đã gây hậu quả rất nghiêm trọng cho môi trường và đời sống của nhân dân; gây bức xúc xã hội; làm ảnh hưởng đến an ninhchính trị, trật tự, an toàn xã hội và môi trường đầu tư...
Đó là những kết luận hết sức rõ ràng và nghiêm khắc, thể hiện rõ tính nghiêm khắc của Đảng. Đây cũng là bài học để các đảng viên, các cán bộ nhà nước khác nhìn vào đó để rút kinh nghiệm.
- Ông đánh giá thế nào về quy trình xử lý kỷ luật ông Võ Kim Cự?
Mức kỷ luật như thế nào thì còn phụ thuộc vào kết luận của UBKTTW và của cả Thanh tra Chính phủ (TTCP) nữa. Bởi đây là hai cơ quan đại diện cho cả hai phương diện tổ chức Đảng và tổ chức chính quyền.
Sau khi có kết luận của UBKTTW thì mới đây TTCP sẽ phải vào cuộc để thanh tra làm rõ hơn nữa những sai phạm mà UBKTTW đã nêu.
Như vậy có thể thấy, từ những vi phạm trên, rồi sự vào cuộc của UBKTTW, TTCP thì có thể nói rằng việc kỷ luật ông Cự đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Mức kỷ luật như thế nào là phụ thuộc vào kết luận của hai cơ quan này.
Nhưng theo tôi, nếu UBKTTW đã kết luận là sai phạm nghiêm trọng, rồi TTCP vào cuộc thì mức kỷ luật có thể sẽ nặng, cụ thể về mặt tổ chức Đảng nếu anh bị kỷ luật dù nhắc nhở, cảnh cáo hay khai trừ thì là mức nặng rồi.
Vụ kỷ luật ông Võ Kim Cự vừa qua theo tôi là một vụ kiểu mẫu và đúng quy trình.
Ông Lê Như Tiến
Căn cứ theo đó, về mặt tổ chức chính quyền có thể bị cách chức, buộc thôi mọi chức vụ. Đó là quy trình theo hai bước của ta hiện nay. Vụ kỷ luật ông Võ Kim Cự vừa qua theo tôi là một vụ kiểu mẫu và đúng quy trình.
- Thưa ông, trước khi ông Võ Kim Cự bị kỷ luật thì đã có sự vào cuộc của UBKTTW, điều đó nói lên vai trò của UBKTTW rất quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát đảng viên?
Theo tôi, điều này đã tuân thủ đúng theo quy trình chặt chẽ của Đảng. Nghĩa là sau kết luận của UBKTTW thì sau đó các cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý hành chính nhà nước sẽ vào cuộc.
Khi UBKTTW đã kết luận ông Cự có những sai phạm nghiêm trọng thì có nghĩa là phải có cơ sở, và như vậy thì cần phải có hình thức kỷ luật tương ứng. Nghĩa là đầu tiên là UBKTTW kiểm tra và kết luận, sau đó mới đưa ra hình thức xử lý cụ thể về mặt Đảng, sau đó là mặt chức vụ, buộc ông Cự phải thôi mọi chức vụ.
Cụ thể hình thức kỷ luật đối với ông Võ Kim Cự là buộc thôi mọi chức vụ, vị trí đang đảm trách như đại biểu Quốc hội hay Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
- Cũng có ý kiến dư luận cho rằng những sai phạm của ông Cự liên quan đến dự án đầu tư của Tập đoàn Formosa đã có từ trước đó nhiều năm, vậy việc phát hiện và xử lý kỷ luật của Đảng đối với ông Cự có vẻ “hơi muộn”. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Tôi thấy nhiều ý kiến cho rằng, việc xem xét kỷ luật ông Võ Kim Cự và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung là muộn. Nhưng cá nhân tôi nghĩ không nên đặt vấn đề như vậy.
Bởi việc xử lý một cán bộ vi phạm kỷ luật, nhất là khi ông Cự đang làm ĐBQH, cần có quy trình chặt chẽ. Theo tôi nhận định, khi UBKTTW xác định hình thức kỷ luật về Đảng, chính quyền với ông Võ Kim Cự thì dứt khoát, Quốc hội sẽ có hình thức kỷ luật.
Là một đại biểu dân cử, nếu có hình thức xử lý của Quốc hội với ông Cự sẽ phải bắt đầu từ đơn vị bầu cử, từ đó, ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và trình phương án xử lý, ĐBQH bỏ phiếu quyết định.
Tôi nghĩ việc xem xét kỷ luật ông Cự cũng như các cá nhân, tổ chức sai phạm liên quan vụ Formosa đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân. Khi sự kiện Formosa xảy ra, người dân luôn mong muốn xem xét vi phạm của tổ chức, cá nhân, kỷ luật nghiêm.
Theo tôi, nếu kỷ luật về mặt tổ chức Đảng và cách chức là nặng nhất với một cán bộ cấp trung ương. Nên mức kỷ luật đối với ông Cự cũng xem như là nặng rồi.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận