• Zalo

Đề nghị kiểm điểm Bộ Y tế do chậm gửi báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước

Chính trịThứ Sáu, 12/05/2023 11:17:37 +07:00 Google News
(VTC News) -

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm lập, gửi Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Tiếp tục phiên họp thứ 23, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, một số đơn vị chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách về Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật Ngân sách Nhà nước, cá biệt trường hợp Bộ Y tế chậm gửi Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 đến 3 tháng. 

Theo đó, ngày 6/4/2023 Bộ Y tế mới hoàn thành thông báo xét duyệt/thẩm định đối với các đơn vị trực thuộc, làm ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm.

Vì vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021, chậm hoàn thành việc thông báo xét duyệt/thẩm định đối với các đơn vị trực thuộc.

Đề nghị kiểm điểm Bộ Y tế do chậm gửi báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước - 1

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Ông Ngô Văn Tuấn cũng nêu nhiều hạn chế cần phải được chấn chỉnh, như số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Nhà nước tính đến cuối năm 2021 còn lớn (Hà Nam 5.258,46 tỷ đồng; Ninh Bình 4.344,68 tỷ đồng; Hà Tĩnh 565 tỷ đồng; Hà Giang 523,57 tỷ đồng; Nghệ An 595,94 tỷ đồng; Bình Định 689,8 tỷ đồng; Thanh Hóa 857,2 tỷ đồng; Quảng Ngãi 336,86 tỷ đồng).

Đáng chú ý là trong năm 2021 còn để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản (Hà Tĩnh 100,3 tỷ đồng; Bình Định 271,5 tỷ đồng; Quảng Ngãi 244,4 tỷ đồng; Hải Phòng 14,2 tỷ đồng; Quảng Ninh 20,7 tỷ đồng; Sơn La 51,9 tỷ đồng; Quảng Bình 63,5 tỷ đồng; Bắc Giang 35,1 tỷ đồng; Hải Dương 25,3 tỷ đồng, Lào Cai 15,1 tỷ đồng; Quảng Nam 244,8 tỷ đồng…).

Bên cạnh đó, số liệu tổng hợp nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên Hệ thống thông tin giám sát về đầu tư công 4.465 tỷ đồng còn chênh lệch so với số liệu tổng hợp của Kiểm toán nhà nước tại 5 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương (23.608,9 tỷ đồng).

Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. 

"Các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh trong việc đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài còn sai sót, chưa đảm bảo tiêu chí “đủ điều kiện, hồ sơ chứng từ đưa vào quyết toán năm 2021” dẫn đến sau khi được Quốc hội thông qua dự toán bổ sung để quyết toán nhưng một số đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ", ông Ngô Văn Tuấn nói.

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lý do Bộ Y tế chậm nộp báo cáo quyết toán, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, một phần nguyên nhân các đơn vị nộp chậm do thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022 có nhiều sự việc liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra về công tác cán bộ, nên lãnh đạo một số đơn vị chưa thật sự tập trung công tác chỉ đạo nộp lên Bộ Y tế.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế rút kinh nghiệm nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

"Hiện lãnh đạo Bộ Y tế đã được kiện toàn nhân sự, đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo sát sao, không để xảy ra tình trạng chậm nộp báo cáo quyết toán trong năm 2023", ông Nguyễn Đức Hải nói.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn