UBND tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng sửa đổi quyết định yêu cầu người về/đến từ TP.HCM phải cách ly 21 ngày sau khi lắng nghe dư luận và nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định nói trên chưa gây ra những thiệt hại và xáo trộn lớn, vì nó được ban hành vào những ngày nghỉ cuối tuần và cũng được sửa đổi rất nhanh chóng.
Thực ra, yêu cầu những người đến từ TP.HCM phải cách ly 21 ngày không chỉ có tỉnh Đồng Nai. Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Lâm Đồng… đều cách ly người đến từ TP.HCM 21 ngày.
Một số tỉnh thành khác như Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Quảng Nam… cũng cách ly những người đến từ TP.HCM nhưng ở phạm vi hẹp hơn - chỉ cách ly những người đến từ quận Gò Vấp và phường Thạch Lộc, quận 12.
Được phân cấp, phân quyền trong việc phòng chống dịch COVID-19, các địa phương đã ứng xử theo kiểu trăm hoa đua nở. Tuy nhiên, các biện pháp mạnh tay của nhiều địa phương ít bị phản đối, vì chúng ít gây ra những ách tắc và đứt gãy cho thị trường, cũng như cho nền kinh tế.
Trong lúc đó, trường hợp của tỉnh Đồng Nai thì lại khác. Nếu các tỉnh nói trên không có sự gắn kết kinh tế trực tiếp với TP.HCM thì tỉnh Đồng Nai và TP.HCM lại nằm trong một vùng kinh tế. Sự luân chuyển của vật tư, hàng hóa và nhân lực giữa hai địa phương cũng như sự lên xuống của thủy triều - hàng ngày và vô tận. Bắt buộc người về/đến từ TP.HCM phải cách ly 21 ngày tất yếu sẽ dẫn đến ách tắc và đứt gãy chuỗi sản xuất ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thường xuyên nhắc nhở các địa phương cần phản ứng với tình hình dịch bệnh một cách quyết liệt, nhưng phải hợp lý để thực hiện thành công mục tiêu kép - vừa phòng chống dịch và bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa bảo đảm phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có vẻ như cân đối giữa quyết liệt và hợp lý là không hề dễ. Ngoài ra, các địa phương khác nhau thì quan niệm về tính hợp lý cũng rất khác nhau.
Phân cấp, phân quyền là rất cần thiết, nhưng, có lẽ, một số nguyên tắc cũng cần phải được tuân thủ.
Trước hết là nguyên tắc chỉ tự chủ trong lãnh địa. Các địa phương được quyền chủ động lựa áp đặt các biện pháp phòng chống dịch, nếu các biện pháp đó không ảnh hưởng trực tiếp ra bên ngoài lãnh địa của mình. Ví dụ, TP Hà Nội có thể chủ động cách ly y tế một ngõ phố mà không cần phải xin ý kiến, phải phối hợp với địa phương nào cả.
Nguyên tắc thứ hai là phối hợp khi vượt phạm vi lãnh địa. Các địa phương phải trao đổi thống nhất với địa phương liên kề, nếu các biện pháp phòng chống dịch ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương đó. Ví dụ, muốn áp đặt biện pháp cách ly 21 ngày đối với những người về/đến từ TP.HCM, tỉnh Đồng Nai cần phải trao đổi thống nhất ý kiến với TP.HCM.
Nguyên tắc thứ ba, ưu tiên quyền điều phối, quyền chỉ đạo của Trung ương. Những biện pháp ảnh hưởng đến nhiều địa phương thì phải theo chỉ đạo hoặc được phê chuẩn của Trung ương. Ví dụ, những giải pháp ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa thì phải làm theo chỉ đạo của Trung ương hoặc được Trung ương phê chuẩn. Ngoài ra, vì lợi ích chung của quốc gia, Trung ương được quyền can thiệp để áp đặt hoạc bãi bỏ bất kỳ biện pháp nào.
Thực ra, mỗi chính sách đều có hai mặt. Phân cấp, phân quyền cũng vậy. Phân cấp, phân quyền có thể phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương, nhưng cũng có thể tạo ra sự cát cứ và ách tắc.
Phân cấp, phân quyền đến đâu phụ thuộc không chỉ vào mô hình thể chế, mà còn vào văn hóa và truyền thống lâu đời của mỗi dân tộc. Nếu phân cấp, phân quyền là truyền thống lâu đời của các nước châu Âu, thì không phải là của các nước Đông Á. Là một nước Đông Á, chúng ta cần rất coi trọng quyền lực của Trung ương.
Bình luận