• Zalo

Biệt phủ 'siêu khủng' của giám đốc sở ở Yên Bái: Trung ương nên vào cuộc

Thời sựThứ Hai, 12/06/2017 17:05:00 +07:00Google News

ĐBQH cho rằng Trung ương nên vào cuộc vụ "biệt phủ" ở Yên Bái thay vì để chính tỉnh Yên Bái thanh tra.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước khối tài sản lớn là khu "biệt phủ" của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái, em trai của Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Phạm Thanh Trà.

biệt phủ yên bái

Biệt phủ đồ sộ của em trai Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. 

Bên hành lang Quốc hội sáng 12/6, ĐBQH Dương Trung Quốc đã dành thời gian trao đổi với báo giới xung quanh vụ việc này.

Video: Cận cảnh biệt phủ đồ sộ của em trai Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái

ĐBQH Dương Trung quốc

ĐBQH Dương Trung Quốc. 

Theo ĐB Dương Trung Quốc, bất động sản, nhà ở là tài sản quan trọng của mỗi gia đình, con người và nó cũng thể hiện phần nào đó tiềm năng kinh tế. Nhưng rõ ràng, nếu nhà ở, bất động sản của quan chức mà vượt quá suy nghĩ của người dân thì người dân đặt ra câu hỏi là điều chính đáng.

“T.Ư hiện nay đang quan tâm đến tài sản của đối tượng do T.Ư quản lý thì địa phương cũng phải như vậy. Tôi cho mọi sự minh bạch đều có lợi cho tất cả chỉ có những người không minh bạch thì người ta mới sợ thôi”, ông Quốc nói.

- Câu chuyện về "biệt phủ" của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái, em trai Bí thư tỉnh này đang gây xôn xao dư luận, ông có ý kiến gì về việc này?

Tôi cho rằng không chỉ Yên Bái mà câu chuyện ở Lào Cai cũng vậy thôi. Có thể đất ở Lào Cai bán đúng quy trình, theo chính sách nhưng tại sao những người đó lại có tiền mua được?

Nếu chúng ta làm rõ thì người ta sẽ thấy đó là chuyện bình thường còn không làm rõ thì sẽ thấy đó là chuyện không bình thường. Không bình thường thì người dân sẽ mất lòng tin.

- Vụ Yên Bái đang được Thanh tra tỉnh thanh tra. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi là ông Giám đốc Sở là em trai của Bí thư Tỉnh ủy, liệu để chính thanh tra tỉnh làm có đảm bảo khách quan?

Tôi cho rằng, trong trường hợp này, chính bà Bí thư Tỉnh ủy nên chỉ đạo làm cho rõ ràng vì đây chính là bảo vệ uy tín cho bà ấy nữa. Đơn giản như vậy thôi còn nếu không làm minh bạch, rõ ràng thì người ta hoàn toàn có thể gắn kết mối quan hệ đó với những tài sản còn đặt dấu hỏi.

- Một số năm trước khi quan chức về hưu mới xây nhà nhưng giờ đang đương chức, mới lên chức cũng xây dựng dinh thự rất to. Có cách nào lý giải về việc người ta không quan tâm đến dư luận nghĩ gì?

Điều đó cho thấy chúng ta không làm mọi việc đến nơi, đến chốn. Vì thế, người ta coi thường dư luận, do đó, chúng ta phải làm rõ ràng ra. Còn hiện tượng đó đến mức độ nào thì cần phải điều tra kỹ càng hơn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong đánh giá sẽ khó giám sát tài sản của người nhà quan chức, vì quyền đứng tên sở hữu tài sản ai cũng có khi đủ tuổi trưởng thành. Muốn làm được việc này đòi hỏi vai trò quyết định của kiểm tra, thanh tra của Đảng, Nhà nước…

“Thông thường không dại gì quan chức đứng ra đứng tên tài sản cho mình. Cái đó là một cách để vừa tránh dư luận vừa an toàn cho mình bao giờ cũng để cho người thân, người này người nọ đứng tên”, ông Phong nhấn mạnh.

Vệ việc Thanh tra tỉnh Yên Bái vào cuộc thanh tra tài sản của em trai Bí thư tỉnh này, ông Phong cho rằng như thế tính khách quan bị dư luận nghi ngờ, vì thế nên để thanh tra T.Ư vào cuộc để nhìn nhận vấn đề khách quan hơn. Nếu họ trong sạch thực sự thì cũng minh chứng cho người ta rõ ràng có vấn đề sẽ xử lý theo thẩm quyền.

Còn để tại chỗ kiểm tra đương nhiên sẽ không tránh khỏi sự nể nang và từng địa phương người ta cũng không muốn chuyện của địa phương mình cho thiên hạ biết. Bên trong có vấn đề gì khác cũng cần phải có cách làm khách quan và TƯ nên vào cuộc mới khách quan hơn.

Ông cho rằng, việc xác minh nguồn gốc tài sản của quan chức cũng như người nhà của họ là để làm trong sạch nội bộ. Nếu cán bộ mình giỏi quá, làm giàu thực sự được thì nhân điển hình. Còn không đúng chúng ta mới có cơ chế xử lý, còn kê khai rồi bỏ đó không có tác dụng gì. 

(Nguồn: baogiaothong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn