• Zalo

ĐBQH: 'Tránh tình trạng để mất cán bộ do sai phạm sau khi hoàn thành dự án'

Tin nhanh 24hThứ Hai, 10/01/2022 17:41:52 +07:00Google News
(VTC News) -

ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, tránh tình trạng để mất cán bộ do sai phạm sau khi hoàn thành dự án.

Chiều 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) thống nhất với sự cần thiết sớm hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu Ánh Sương, trong thời gian qua, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Do đó, để đảm bảo đúng tiến độ cơ bản hoàn thành dự án trong cuối năm 2025 thì công tác đền bù GPMB là yếu tố then chốt.

"Tôi đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư, các địa phương có dự án đi qua, các đơn vị liên quan thực hiện việc thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng để mất cán bộ do sai phạm sau khi hoàn thành dự án", bà Sương nói.

ĐBQH: 'Tránh tình trạng để mất cán bộ do sai phạm sau khi hoàn thành dự án' - 1

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi).

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng việc khắc phục các vấn đề sau khi hoàn thành dự án như khắc phục hư hỏng, sụt lún nhà ở hoặc úng đồng ruộng, hoàn trả các tuyến đường hư hỏng cũng là yếu tố quan trọng để tạo niềm tin đồng thuận của nhân dân trong việc tiếp tục ủng hộ thực hiện các dự án cao tốc.

Theo bà Sương, thực tế, thời gian qua dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã hoàn thành, chính thức thông xe và đưa vào khai thác ngày 2/9/2018, góp phần hoàn thiện giao thông, thúc đẩy liên kết giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Tây Nguyên. 

"Trong quá trình triển khai dự án, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng thời vận động nhân dân trong công tác bồi thường và GPMB, được người dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành, việc hoàn trả các tuyến đường hư hỏng do phục vụ thi công vẫn chưa được thực hiện. Tỉnh, cử tri và ĐBQH tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm việc với các nhà thầu thi công để khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa xử lý, gây bức xúc cho người dân.

Tuy vấn đề này không thuộc nội dung thảo luận nhưng việc Bộ GTVT chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại trên sẽ góp phần tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân Quảng Ngãi và các tỉnh trong vùng dự án, trong việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông trong thời gian tới", bà Sương bày tỏ.

ĐBQH: 'Tránh tình trạng để mất cán bộ do sai phạm sau khi hoàn thành dự án' - 2

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội).

Nhất trí với tính cấp thiết của chủ trương đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) phân tích, về mặt kinh tế, xây dựng cao tốc Bắc – Nam góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Lộc nhận định, một trong những điểm nghẽn chính khiến năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao do sự yếu kém của kết cấu hạ tầng, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng.

“Chỉ số chất lượng đường bộ, chỉ số kết nối giao thông đường bộ năm 2019 của nước ta đứng trong nhóm các nước có chất lượng hạ tầng giao thông đường bộ kém nhất thế giới. Từ đó dẫn tới chi phí logistics chiếm tới 20% GDP, cao gần gấp đôi các nước đang phát triển, cao hơn mức bình quân toàn cầu từ 14-15%. Đó là chi phí rất lớn làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, đại biểu Lộc nói.

Về phương thức đầu tư của dự án, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật và chính sách để thu hút đầu tư tư nhân tham gia; Thành lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để cho các nhà đầu tư tư nhân vay để xây dựng hạ tầng giao thông, thay vì nhà nước phải tự đầu tư.

Xuân Trường - Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn