Sáng 17/11, sau phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Quốc hội đã kết thúc 2,5 ngày chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, qua theo dõi 2,5 ngày chất vấn vừa qua thì các câu hỏi của đại biểu đã được trả lời thẳng thắn, trực diện vào vấn đề rất nóng, được dư luận cử tri quan tâm.
"Bốn nhóm chủ đề được 4 bộ trưởng trả lời thì tôi thấy nóng nhất là liên quan đến Bộ Công Thương.
Tôi thấy, các Bộ trưởng trả lời chất vấn thẳng thắn, trực diện, nhiều vấn đề đã tìm được giải đáp. Tôi đánh giá cao trách nhiệm, sự quán xuyến của các Bộ trưởng trong trả lời chất vấn.
Sáng nay, phần trả lời chất vấn của Thủ tướng đã đi trực diện vào các vấn đề của Chính phủ, trong đó, những vấn đề nóng bỏng nhất liên quan đến kinh tế - xã hội như nợ công...cũng được Thủ tướng trả lời thẳng thắn, nhận trách nhiệm và đề ra được giải pháp", Bộ trưởng Tuấn nói.
Video: Thủ tướng trả lời chất vấn việc sử dụng tài sản công lãng phí
Theo ông, về cơ bản, sau chất vấn, việc quan trọng là các bộ, ngành xử lý, có giải pháp thực hiện một cách tốt nhất các vấn đề được nêu để áp ứng mong mỏi của cử tri cả nước.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông khẳng định, ông hài lòng với tất cả các phần trả lời.
"Các Bộ trưởng nắm rất chắc vấn đề, trả lời trực diện các ý kiến được đại biểu, cử tri quan tâm. Tôi cũng thấy rất nhiều đại biểu hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng", ông Tuấn bày tỏ.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng đánh giá cao các ý kiến chất vấn cũng như phần trả lời chất vấn của Thủ tướng, các Bộ trưởng.
Ông Học cho rằng, có một số vấn đề quá cụ thể, các Bộ trưởng chưa nắm rõ được thông tin nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản là phù hợp.
"Bởi đây là thông tin trả lời toàn dân nên đòi hỏi sự chính xác, khách quan vì thế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trả lời bằng văn bản và việc này cũng giúp đỡ mất thời gian của Quốc hội vì nhiều người cũng mong muốn đặt câu hỏi.
Việc trả lời bằng văn bản sẽ cụ thể, rõ ràng nhưng điểm hạn chế là sẽ không nhanh nhạy, kịp thời cung cấp thông tin cho đại biểu", ông Học nói.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nắm toàn diện các vấn đề và trả lời rất hay.
“Phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy một sinh khí, quyết liệt, có khát vọng để thực hiện chức trách của mình. Thủ tướng phải nắm tư duy, tư tưởng của việc xây dựng nhà nước pháp quyền để điều hành trên nền tảng pháp luật.
Và trong phần trả lời, Thủ tướng đã nhấn mạnh vấn đề phải hoàn thiện hệ thống pháp luật ở các khía cạnh mà đại biểu Quốc hội nêu – ông Vũ Mão nói.
“Qua trả lời của Thủ tướng cho thấy, Thủ tướng đã đi thẳng vào vấn đề, trả lời trực diện các câu hỏi của đại biểu. Tuy nhiên, nếu có thêm thời gian tranh luận thì sẽ bật ra một số vấn đề ”, ông Vũ Mão bày tỏ và cho rằng việc điều hành phiên chất vấn cũng tiến bộ.
Video: Thủ tướng: 'Nếu Formosa lặp lại sai phạm sẽ đóng cửa, không tha thứ'
Phát biểu bế mạc Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 2 ngày rưỡi làm việc tích cực và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành các nội dung phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2.
Các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng. Tổng cộng có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, trong đó, có hơn 20 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, có hơn 35 lượt đại biểu đặt câu hỏi tranh luận.
Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo giải trình một số vấn đề về đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, vấn đề nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, về an toàn thực phẩm, về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn trả lời và làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, cá nhân Thủ tướng Chính phủ trong việc kế thừa và tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.
Bình luận