Thông tin từ Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, ở nước ta việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được tiến hành rất chặt chẽ. Hầu như các vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do Nhà nước sản xuất ít khi rơi vào tay tội phạm. Tuy nhiên, để gây án ngoài xã hội, bọn tội phạm không tìm được nguồn chính thức này nên bắt đầu tàng trữ, sử dụng các loại súng tự chế.
Công an các đơn vị, địa phương phát hiện rất nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích bằng súng tự chế như súng bắn đạn hoa cải, súng săn, súng bút, súng ổ xoáy... Đây là thực tế diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội nên hành vi này dứt khoát phải xử lý hình sự để răn đe.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, từ khi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực đến nay, phát hiện, bắt giữ 230 vụ, 321 đối tượng liên quan đến hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng
Theo tờ trình của Chính phủ, Điều 3 của Luật theo quy định hiện hành thì đang có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nên không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với các hành vi trên từ ngày 1/7/2018.
Nếu đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; nếu đã bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành hình phạt còn lại; nếu đã kết án mà chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 nhằm bảo đảm phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về xử lý hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là rất quan trọng và cần thiết.
Ông Nguyễn Hữu Cầu cũng đồng tình với phương án của Chính phủ trong việc sửa đổi điều luật này. Ông Cầu phân tích, khi sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 thì Điều 230 về tàng trữ, buôn bán, sử dụng vũ khí quân dụng không có thay đổi về chính sách hình sự. Khi xây dựng BLHS năm 2015, hành vi này được quy định rõ trong Điều 304, chứng tỏ Nhà nước ta vẫn quyết tâm xử lý hình sự các hành vi này.
Việc sửa Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là hoàn toàn phù hợp bởi 2 căn cứ: Thứ nhất, theo luật pháp, kể cả Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015, trong điều luật không viện dẫn thế nào là vũ khí quân dụng mà chỉ quy định chung.
Vấn đề thứ hai, trong thực tiễn, Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 và Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1/8/2018. Như vậy, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 1/8/2018 là không có vướng mắc, bởi tại thời điểm đó còn thực hiện Pháp lệnh về quản lý vũ khí, vật liệu nổ nên vẫn truy tố bình thường. Nhưng sau ngày 1/8/2018, Dự luật này thay đổi nên không còn quy định vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng nên mới phát sinh dồn lại 230 vụ không xử lý hình sự.
“Trong trại giam còn rất nhiều đối tượng phạm tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng mà sắp tới theo quy định là chúng ta phải thả ra. Chúng tôi cho rằng sửa đổi Điều 3 của Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ là hoàn toàn phù hợp và đúng với quy định của pháp luật”- đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.
Bình luận