Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết có thống kê chỉ ra rằng 90,4% trường hợp vợ bị chồng bạo hành nhưng không báo, thậm chí những người chồng bị vợ bạo hành còn giấu đi không dám báo.
Đại biểu Trần Công Phàn nêu những ví dụ này để nhấn mạnh rằng tâm lý chung của các gia đình Việt Nam là "đóng cửa bảo nhau".
"Người Việt Nam coi việc gia đình như bí mật, là chuyện riêng, không muốn bên ngoài can thiệp. Không can thiệp thì có thể gia đình còn hàn gắn được, can thiệp không khéo có thể khiến gia đình rạn nứt", đại biểu Trần Công Phàn phát biểu.
Đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, các biện pháp phòng ngừa, xử lý bạo lực gia đình được đưa vào trong luật cần xuất phát từ các đặc tính chung của gia đình Việt Nam. Vị đại biểu tỉnh Bình Dương cũng nhấn mạnh rằng cần đề cao mục đích của luật là giữ gìn, tăng cường hạnh phúc của mỗi gia đình.
"Có khi họ bị đánh nhưng họ không nói bị đánh mà nói bị ngã. Người ta vẫn muốn được gần gũi, được tiếp xúc với nhau. Xử lý hành chính thì cũng là tiền túi của nhà họ ra. Nếu bắt vợ, bắt chồng đi thì gia đình mất người lao động, mất người chăm sóc", ông Phàn nêu ví dụ.
Đại biểu Trần Công Phàn tán thành với việc xử lý nghiêm và lên án bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên, đại biểu này cũng lưu ý đến việc xử lý bạo lực gia đình nhưng làm sao để gia đình tốt hơn, hạnh phúc hơn mới là điều quan trọng.
"Tôi đề nghị hàm lượng các biện pháp phòng ngừa, xử lý phải xuất phát từ yếu tố gia đình vì mục đích lớn hơn là xử lý bạo lực nhưng phải giúp gia đình hạnh phúc lên. Cần xuất phát từ điều kiện thực tế, hoàn cảnh gia đình để quy định các biện pháp phòng ngừa, xử lý hợp tình hợp lý".
Cũng trong buổi thảo luận, 21 đại biểu nêu ý kiến, 6 đại biểu tham gia tranh luận để đưa ra những quan điểm tâm huyết, sâu sắc trên tinh thần xây dựng, nhiều ý kiến góp ý cụ thể, xác đáng xuất phát từ thực tiễn.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho biết, về tư vấn hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu bày tỏ thống nhất cao với việc tổ chức hình thức tư vấn hòa giải là giải pháp để phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị có rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành khác để phát huy nguồn lực hiện có, cũng như chống chồng chéo giữa các quy định.
Đại biểu Lam cũng đề nghị việc tổ chức hòa giải thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở, trừ trường hợp hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự, trong đó có hòa giải ngoài Tòa án theo quy định của Luật hòa giải đối với Tòa án nhân dân.
Nếu Luật quy định, thống nhất giao hoà giải bạo lực gia đình cho hòa giải cơ sở thì cần bổ sung chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng tư vấn hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ này là đảm bảo hiệu quả, không phát sinh thêm lực lượng vào cơ chế tài chính.
Về quy định góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư, đại biểu cho rằng việc góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư được tổ chức khi việc thực hiện hòa giải không thành, nếu không phân định rõ loại hành vi bạo lực gia đình nào hòa giải không thành, sau đó tái diễn thì đưa ra cộng đồng góp ý, phê bình và góp ý, phê bình thuộc phạm vi điều chỉnh của thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng hay điều chỉnh có áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 và Nghị định 120.
Mặt khác, việc lên án người có hành vi bạo lực gia đình phê bình, góp ý tại cộng đồng mà không cần yêu cầu của người bị bạo lực gia đình có thể xảy ra các tác dụng ngược, có thể sẽ dẫn đến hành vi bạo lực gia đình ngày càng trầm trọng hơn, dẫn đến bạo lực nặng hơn hoặc tan vỡ gia đình. Do đó, đại biểu đề nghị nên có hình thức xử lý răn đe, rõ ràng trong phạm vi nhất định.
Cũng hướng đến việc xây dựng, củng cố gia đình hạnh phúc, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất mở rộng phạm vi, nội dung mới cho Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), gọi là Luật Xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình.
"Xã hội đang mong muốn nhiều hơn là làm sao để xây dựng gia đình mới hạnh phúc, duy trì hạnh phúc gia đình đang có, hàn gắn các rạn nứt trong hôn nhân và cuối cùng mới là chữa lành các vết thương về thể xác và tinh thần của các thành viên trong gia đình đang có bạo lực trước hôn nhân đổ vỡ", đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu quan điểm.
Bình luận