ĐBQH Phạm Văn Hoà: Không sửa quy định phòng cháy, hàng nghìn doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa
Tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội năm 2023, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV diễn ra chiều 31/5, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) kiến nghị các Bộ, ngành cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc những quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Ông cho rằng, nếu cơ quan chức năng không sớm thay đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy thì hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa.
"Tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy hiện nay không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, cũng chưa tính đến tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn", đại biểu Phạm Văn Hòa băn khoăn.
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cũng nêu lên thực trạng sau hơn hai năm chống COVID-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, phá sản. Khi cơ quan chức năng tổng rà soát về phòng cháy chữa cháy, nhiều doanh nghiệp lại bị xử phạt, đình chỉ hoạt động, không thể vận hành do không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn mới.
Nhiều cử tri phản ánh, một số quy định phòng cháy chữa cháy không phù hợp thực tế, tiêu chuẩn quá cao. Quy định không phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy nên rất khó khăn cho doanh nghiệp vì chi phí khắc phục sẽ rất lớn.
Để tháo gỡ cho doanh nghiệp, Chính phủ cần sớm chỉ đạo các cơ quan sửa đổi quy định phòng cháy chữa cháy, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội. "Quản lý phòng cháy chữa cháy nên phân theo mức độ nguy cơ để có biện pháp phù hợp và cần có lộ trình thay đổi quy định mới phù hợp để doanh nghiệp thực hiện", vị này đề xuất.
Đại biểu Trịnh Xuân An (chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh) cũng đề nghị, các cơ quan xử lý dứt điểm vướng mắc về thể chế để không gây ảnh hưởng dây chuyền sang các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Các Bộ, ngành cần phối hợp, chủ động xử lý và hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên, người đứng đầu.
Thực tế thời gian qua, việc người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng mua xăng, xếp hàng cả đêm để đăng kiểm ôtô, loay hoay với các quy định về phòng cháy, chữa cháy hay xếp hàng làm thủ tục xin lý lịch tư pháp "cho thấy khâu phối hợp và trách nhiệm xử lý của bộ, ngành chưa hiệu quả".
"Chúng tôi mong rằng có những lúc cơ quan nhà nước phải tự nhận phần khó về mình để vất vả một chút nhưng xử lý được ngay vấn đề cho người dân và doanh nghiệp", đại biểu An kiến nghị.
Bình luận