Râm ran chợ đen mua quan bán chức
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng nay, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thẳng thắn cho rằng tham nhũng ngày càng tinh vi, có hệ thống và có tổ chức.
Ông Sinh khẳng định nạn chạy chức, chạy quyền chính là tham nhũng trong công tác cán bộ. "Lĩnh vực lâu nay được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng nhưng vẫn bị coi là vùng cấm vì chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh một cách đồng bộ và đầy đủ.
Chợ đen của việc mua quan bán chức nhưng không dễ trả lời rằng ai mua, ai bán. Chỉ biết dư luận râm ran chợ đen này thường nhộn nhịp lên trong các dịp bầu cử và đại hội. Tham nhũng trong công tác cán bộ đã làm sai lệch các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nước, của nhân dân do dân và vì dân".
Chợ đen của việc mua quan bán chức nhưng không dễ trả lời rằng ai mua, ai bán.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh
Dẫn thêm thông tin từ báo cáo "Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019" trong đó phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng và trên 819 ha đất, vị đại biểu tỉnh Hoà Bình đặt câu hỏi, đó có phải là kết quả của tham nhũng vặt?
"Hãy nhìn vào hiệu quả công tác quản lý, lãnh đạo của Nhà nước thì sẽ thấy. Điều gì tạo ra hiện trạng một bộ phận không nhỏ Đảng viên có chức vụ suy thoái, biến chất, năng lực hạn chế, nếu không xuất phát từ tham nhũng trong công tác cán bộ?
Điều gì đằng sau những toà nhà không phép, sai phép nếu không phải là tham nhũng, làm ngơ trong công tác quản lý. Tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng kể cả lương thực, thuốc chữa bệnh tràn lan, đâu chỉ là quản lý yếu kém. Gian lận thi cử gây bức xúc trong dự luận thời gian qua đều là hậu quả của nạn tham nhũng mặc dù cơ quan điều tra chưa thể kết luận rõ ràng. Vụ đầu độc nguồn nước sạch sông Đà, đằng sau hành vi đổ thải đầu độc nguồn nước là gì, ai và cơ quan nào chịu trách nhiệm?"
Nhấn mạnh tham nhũng vặt chỉ là phần nổi của tảng băng, tình trạng tham nhũng còn rất nghiêm trọng, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh khẳng định, công cuộc phòng, chống tham nhũng cần phải làm liên tục, đồng bộ và có hệ thống, trong đó không chỉ có quyết tâm chính trị mà cần phải được thể chế bằng các quy định của pháp luật.
Ông kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm thể chế hoá các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức nhất là công chức giữ chức vụ....
Xử lý nội bộ nhưng tiền ăn bao đời không hết
Thượng tướng Nguyễn Văn Được (đoàn Hà Nội) chua xót khi đối lập với xương máu, công sức xây dựng đất nước của Nhân dân, vẫn có những lợi ích nhóm, cá nhân "cỡ bự", thiếu trách nhiệm, gây thất thoát lớn, với dã tâm tham nhũng gây thất thoát của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.
Đại biểu Được đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng.
"Trường hợp nào xử lý nội bộ thì cũng phải công khai thông báo họ tham nhũng những gì, có bao nhiêu tiền để nhân dân biết. Có những vụ án chỉ xử lý nội bộ, nhưng tiền của có thể họ ăn cả đời không hết. Phải công khai minh bạch những trường hợp xử lý nội bộ thế này."
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đề cập đến việc trong hơn 1 triệu người kê khai tài sản trong năm 2019 chỉ có 10 trường hợp vi phạm, chỉ tăng 2 trường hợp so với năm 2018. Điều này chứng minh tính trung thực trong kê khai tài sản vẫn là dấu hỏi lớn với cử tri.
Ông Hiếu cũng dẫn chứng việc thẩm tra hồ sơ ứng cử đại sứ tương lai, nhưng tất nhiều kê khai của ứng viên, trong phần kê khai tài sản trên 50 triệu đồng đều ghi là "không có".
Do đó, ông Hiếu đề nghị, trong giai đoạn tới cần rà soát, siết chặt kỷ cương trong việc kê khai tài sản cá nhân, cần công khai thuế thu nhập cá nhân ở các vị trí quản lý, lãnh đạo.
Bình luận