Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, với kho dữ liệu số như hiện nay, bất cứ khi nào các cơ quan thống kê đều có thể trích xuất, cung cấp được các dữ liệu thống kê, chứ không phải giới hạn ở 222 dữ liệu thống kê như trong dự thảo nêu. Nếu làm được như vậy, có nghĩa cơ quan thống kê đang nắm giữ một kho tài nguyên số.
“Tôi ví kho tài nguyên số này như mỏ vàng lộ thiên bởi vì không cần gia công đào bới gì mà chỉ cần click chuột thôi, các thông tin, số liệu thống kê sẽ đáp ứng nhu cầu của người dùng và chuyển thành tiền”, ông Cường bày tỏ.
Đại biểu Cường nhấn mạnh: "Với mong muốn như thế, đọc xong dự thảo luật này tôi thấy rất hụt hẫng bởi vì chúng ta vẫn cứ thực hiện các phương thức để thu thập thống kê như hiện nay và chúng ta tập trung vào thay đổi các chỉ tiêu thống kê".
Ông Cường cho rằng việc nâng thêm chỉ tiêu là sự dũng cảm của thống kê, bởi thêm một chỉ tiêu thôi có thể tiêu tốn hàng tỷ đồng cùng công sức của cán bộ thống kê phải bỏ ra rất nhiều.
"Tôi rất muốn nhân dịp này chúng ta thay đổi luật Thống kê thì phải sửa đổi căn bản, không chỉ chỉ tiêu thống kê mà từ phương thức thu thập thống kê, sử dụng số hoá để hình thành kho dữ liệu thống kê", ông Cường bày tỏ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường kỳ vọng việc sửa đổi Luật Thống kê lần này phải luật hóa việc kê khai, cung cấp những thông tin thống kê bằng công nghệ số để hình thành nên kho dữ liệu thống kê quốc gia về tất cả các vấn đề kinh tế xã hội... Đây chính là tiền đề của việc chuyển đổi số quốc gia, và khi chúng ta có được dữ liệu số là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi kinh tế số.
Nếu chuyển đổi từ phương thức thống kê truyền thống sang công nghệ số thì bất kể sự thay đổi nào trên thực tế của kinh tế sẽ ngay lập tức được cập nhật vào kho dữ liệu thống kê quốc gia. Khi đó, hầu hết các cuộc điều tra, thống kê theo truyền thống rất tốn kém hiện nay có thể sẽ không cần thiết nữa.
Bình luận