Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) góp ý về thời điểm đặc xá.
"Tôi nghĩ rằng sở dĩ rất nhiều đại biểu quan tâm đến việc góp ý vào quy định này vì hiện nay trong 3 thời điểm quy định là thời điểm đặc xá thì ngày lễ lớn của đất nước đã có quy định tại nghị định 145 của Chính phủ.
Tuy nhiên, còn 2 thời điểm là sự kiện trọng đại của đất nước và sự kiện đặc biệt vì lý do đối ngoại thì chính vì chưa có một văn bản nào quy định và cũng chưa có giải thích nào, đo đó rất nhiều đại biểu quan tâm.
Chúng tôi nhận thức rằng giữa quy định về thời điểm đặc xá và thẩm quyền đặc xá của Chủ tịch nước là khác nhau. Chúng ta quy định thời điểm đặc xá nhưng không có nghĩa là đến thời điểm ấy là phải đặc xá mà việc đặc xá hay không là do Chủ tịch nước quyết định", ông Khanh nêu.
Bên cạnh đó, vị đại biểu Ninh Bình cũng góp ý về các trường hợp không đề nghị đặc xá theo quy định tại Điều 12 của dự thảo.
"Rà soát lại tôi đề nghị với ban soạn thảo nên cơ cấu thêm các tội, bổ sung vào Điều 12. Tội phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 114 Bộ luật Hình sự và tội chống phá cơ sở giam giữ tại Điều 119 trong Bộ luật Hình sự.
Vì hai tội này, một tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, đều liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia và trong đó có tội chống phá cơ sở giam giữ. Để cho logic với việc chấp hành tốt, cải tạo tốt tại trại giam", đại biểu Khanh đề xuất.
Về đặc xá trong trường hợp đặc biệt, đại biểu Khanh đề nghị chỉ xét những trường hợp người đang mắc một trong những bệnh hiểm nghèo như ung thư hay những bệnh nặng tiên lượng sẽ chết.
"Vì trong thực tế triển khai thi hành án, những đối tượng đã được hoãn vì những lý do này tiên lượng sẽ chết trong thời gian rất ngắn và việc quản lý theo dõi rất khó khăn. Thực tế mà nói việc quay lại để trở lại tiếp tục thi hành án gần như không có. Đề nghị chúng ta chỉ hoãn và đưa vào đặc xá những đối tượng này.
Còn những đối tượng khác, ví dụ như phụ nữ có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, hay là lao động duy nhất. Đặc biệt lao động duy nhất, tôi cho rằng quy định này rất dễ bị lạm dụng trong thực tiễn. Thực chất đánh giá lao động duy nhất hiện nay rất khó và dễ bị lạm dụng. Vì đánh giá lao động duy nhất hiện nay, từ gốc chỉ có xác nhận của chính quyền địa phương, lao động duy nhất rất dễ bị lạm dụng", ông Khanh phân tích.
Vị đại biểu Ninh Bình cho rằng, thực tế việc đặc xá có nhiều trường hợp, nhất là trường hợp nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nhiều đối tượng, mặc dù đang được hoãn thi hành án nhưng vẫn tiếp tục có hành vi phạm tội hoặc chưa có kết luận nhưng có phản ánh của dư luận quần chúng nhân dân.
"Những đối tượng là lao động duy nhất này tiếp tục có những hành vi mờ ám, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc đặc xá, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc nếu như đặc xá đối với những trường hợp được quy định tại khoản này chỉ nên giữ một trường hợp bị bệnh hiểm nghèo như tôi đã phân tích ở trên", ông Khanh kết luận.
>>> Đọc thêm: Đại biểu Quốc hội lo ngại chỉ người có tiền mới được đặc xá
Bình luận