• Zalo

ĐBQH đề xuất Thủ tướng trả lời chất vấn trọn một buổi

Thời sựThứ Tư, 28/10/2015 08:00:00 +07:00Google News

ĐBQH đề xuất tăng thời gian trả lời chất vấn của Thủ tướng. Thời gian trả lời chất vấn của thủ tướng cần tăng để đáp ứng mong mỏi của cử tri.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng để đáp ứng những mong mỏi của cử tri.

Chiều 27/10, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tại tổ, cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Đại biểu Trần Du Lịch
Đại biểu Trần Du Lịch 
Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Trần Du Lịch nhận định việc phát biểu của các đại biểu như “xếp hàng mà đọc khiến cử tri rất ngán ngẩm”. Vì vậy, ông Lịch cho rằng vẫn cần thời gian để các đại biểu phát biểu, nêu lên chính kiến của mình.

Tuy nhiên, Quốc hội cần dành thời gian trong nửa ngày để các đại biểu chỉ tranh luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

“Chất vấn, trả lời chất vấn vẫn chạy theo số lượng, vẫn mang tính hình thức”, đại biểu Trần Du Lịch nhận định. Vì vậy, ông Lịch cho rằng cần phải đổi mới cả việc chất vấn và trả lời chất vấn.

Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, ngoài những nội dung truyền hình trực tiếp trên VTV1 thì cần tăng cường tường thuật trên kênh Quốc hội các phiên họp công khai, đặc biệt là các phiên thảo luận về dự án Luật.

Đại biểu Tâm cho rằng, thông qua các phiên tường thuật trực tiếp, cử tri có thể theo dõi tranh luận của đại biểu, tham gia đóng góp ý kiến và giám sát hoạt động của đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm 
Cũng có quan điểm giống đại biểu Trần Du Lịch, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng vấn đề quan trọng là phải có tranh luận.

Vì vậy, bà Tâm đề nghị nên thiết kế nội dung gồm 2 phần. Một  là giữ nguyên việc đăng ký phát biểu, nhưng bên cạnh đó cần dành 1/3 tổng thời gian thảo luận chung chỉ để tranh luận.

Đặc biệt, bà Tâm cho rằng thời gian dành cho việc trả lời chất vấn của Thủ tướng hiện nay còn quá ngắn.

"Đại biểu rất quan tâm tới trả lời của Thủ tướng nhưng không có thời gian. Tôi đề nghị mỗi phiên chất vấn cả kỳ họp giữa năm và cuối năm phải dành thời gian trọn một buổi cho chất vấn và Thủ tướng trả lời. Như vậy Thủ tướng mới có thể trả lời nhiều vấn đề thấu đáo, thoả đáng hơn", bà Tâm đề nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Thành Tâm cho rằng không phải buổi họp toàn thể, hay luật nào tất cả đại biểu đều có sự quan tâm giống nhau. Bởi vậy, Quốc hội cần có các ban tập hợp những nội dung đại biểu có sự quan tâm chung để trao đổi kỹ hơn. Ông Tâm cho rằng nếu làm theo cách này thì các nội dung luật sẽ được thảo luận kỹ hơn với những người có chuyên môn và cũng có thể thảo luận nhiều luật hơn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân lại đề nghị có thêm thời gian để thảo luận những nội dung được quan tâm.

"Tôi đề nghị Quốc hội tổ chức seminar buổi tối về những vấn đề quan trọng, còn nhiều tranh cãi cho những đại biểu quan tâm", đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.

Đại biểu Lê Như Tiến
Đại biểu Lê Như Tiến 
Trong khi đó, đại biểu Lê Như Tiến- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng nên để người dân tham gia trực tiếp phiên họp của Quốc hội để thấy được không khí làm việc của Quốc hội và cũng là dịp để nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội.

“Ta chưa làm được, chỉ dừng lại mời những người của các cơ quan có văn bản pháp luật đến nghe để chỉnh lý. Vừa qua một vài lần các em học sinh, sinh viên được vào nghị trường. Tôi từng kiến nghị nên để học sinh ở các trường vào nhiều hơn, để các em thấy được không khí hoạt động của Quốc hội và chắp cánh ước mơ làm nghị sĩ. Nên để người dân vào để hiểu hơn hoạt động của Quốc hội”, đại biểu Lê Như Tiến nêu ý kiến.

Cũng có quan điểm này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần tạo điều kiện cho công dân dự thính các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm an ninh cho công dân.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn