• Zalo

ĐBQH: Để toà án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc là hình sự hoá trá hình

Thời sựThứ Năm, 25/10/2018 11:30:00 +07:00Google News

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng nếu tiếp tục sử dụng toà án để giải quyết kiến nghị của cơ quan kiểm soát xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì coi như đang hình sự hoá trá hình vấn đề thu hồi tài sản.

Sáng 25/10, phát biểu ở hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) - Phó ban Dân nguyện cho rằng cơ bản tán thành ý kiến của ban soạn thảo về cơ quan kiểm soát tài sản.

"Lưu ý cần kết hợp cơ quan kiểm soát tài sản và công tác quản lý cán bộ. Việc quản lý tài sản là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý cán bộ. Về lâu dài cần có cơ quan chuyên trách quản lý tài sản, thu nhập", ông Nhưỡng nêu.

luu-binh-nhuong

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

Vị Phó ban Dân nguyện cho rằng về xác minh tài sản thu nhập, cần phải bổ sung cơ chế để kiểm soát.

"Nghe báo cáo về Phòng Chống tham nhũng 1 triệu bản xác minh, thì xác minh lại có 44 người, xử lý có 6 người. Người ta thấy rằng dường như chúng ta không làm. Do đó, cần có cơ chế xác minh tài sản hàng năm.

Tôi đề xuất cơ quan quản lý tài sản thu nhập cần có mẫu xác minh gửi về địa phương, yêu cầu chính quyền phối hợp xác minh để gửi cho các cơ quan chức năng bằng email hoặc các văn bản rất đơn giản", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng góp ý.

Khi đó, nếu có tố cáo thì lúc đó cơ quan chức năng lập tổ xác minh. Việc xác minh như thế đảm bảo thường xuyên, chặt chẽ.

Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng không đồng tình về 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

"Tôi khẳng định 2 phương án đều không đảm bảo. Nếu sử dụng toà án hành chính thì không có mà phải tố tụng dân sự. Tố tụng dân sự thì phải có hợp đồng và thiệt hại. Nếu dùng khái niệm thu hồi tài sản thì đã thể hiện đó là tài sản lấy của người khác.

Nếu không có cơ sở thì rất nguy hiểm. Toà án không thể thực hiện vượt qua quy định của pháp luật...

Nếu tiếp tục sử dụng toà án để giải quyết kiến nghị của cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập thì coi như đang hình sự hoá trá hình vấn đề thu hồi tài sản. Tôi cho rằng điều này không phù hợp về mặt pháp luật", Vị Phó ban Dân nguyện tiếp tục khẳng định.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng nếu đánh thuế thì chúng ta có khó khăn trong việc giải thích tài sản chịu thuế.

"Các cử tri có nói với tôi rằng kể cả tài sản có được bằng tham nhũng thì nó cũng đã được mua, có nghĩa rằng nó cũng đã chịu thuế rồi. Nếu chúng ta tiếp tục đánh thuế thì sẽ là chồng thuế.

Nếu đã là tài sản nghi vấn thì dứt khoát đưa vào điều tra. Chúng ta hoàn toàn có quyền hạn. Nếu là tài sản tham nhũng thì phải tịch thu. Còn cả hai biện pháp nêu trong dự thảo đều là biện pháp nửa chừng", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục khẳng định.

Vì vậy, ông Nhưỡng cho rằng đề nghị giữ phương án cũ và cần xác minh chặt chẽ, kiểm soát chặt chẽ. Điều đó đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Video: Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải thích với các đại biểu về việc lựa chọn con số thu thuế 45%

Điều 52. Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc

Phương án 1:

1. Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định.

2. Trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.

3. Tòa án nhân dân xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và ra một trong các quyết định sau đây:

a) Không chấp nhận yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;

b) Thu hồi tài sản, thu nhập cho Nhà nước trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và việc thi hành quyết định của Tòa án nhân dân.

Phương án 2:

1. Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho Cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Người phải nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định của Cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

3. Việc thu thuế quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, giải quyết vụ án hình sự mà chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có.

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) 

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn