Sáng 5/4, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Góp ý về đấu thầu tập trung mua thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại Điều 53, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nêu tại khoản 1 quy định đấu thầu tập trung được áp dụng khi hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị đấu thầu tập trung cần thực hiện đối với cả các loại hàng hóa, thuốc men, vật tư với số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm.
Theo ông Nguyễn Anh Trí, quy định như vậy mới đấu thầu được, mới có nhà cung cấp, phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả các bệnh viện, qua đó giảm quá tải các bệnh viện.
"Có những căn bệnh xây dựng được phác đồ điều trị, phổ biến ở bệnh viện các tuyến nhưng vì không có thuốc nên buộc người ta phải kéo nhau về các bệnh viện trung tâm, bệnh viện tuyến trên", vị đại biểu Quốc hội nêu thực trạng.
Dẫn ví dụ vụ ngộ độc cá chép ủ chua ở tỉnh Quảng Nam thời gian vừa qua, phải chuyển 5 lọ thuốc rất hiếm dùng giải ngộ độc tố Botulinum từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ra Quảng Nam, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng cần quy định lại về việc đấu thầu tập trung.
Ông Nguyễn Anh Trí cũng nhấn mạnh, mua sắm thuốc men, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ dẫn đến tiêu cực, vì vậy đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) để đảm bảo chặt chẽ, rõ và khả thi.
Vị đại biểu Quốc hội thuộc đoàn TP Hà Nội đề xuất, quy trình mua sắm thuốc men, vật tư y tế theo hai giai đoạn: Thứ nhất, đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia cần lựa chọn nhà thầu có chất lượng và có giá trần. Bước thứ hai, các cơ sở y tế có nhu cầu, căn cứ kết quả đấu thầu tập trung đã có để lựa chọn nhà thầu cung cấp phù hợp hoạt động của cơ sở mình và không cao hơn giá trần.
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Lê Văn Khảm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng, những điều khoản liên quan đến mua sắm trong lĩnh vực y tế trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã có những cơ chế, chính sách, những quy định tạo cơ hội rất tốt cho người hành nghề y, các cơ sở khám, chữa bệnh, cứu người bệnh trong việc sử dụng các dịch vụ phòng bệnh, chữa bệnh…
Tham gia ý kiến đóng góp để hoàn thiện thêm dự thảo luật này, ông Lê Văn Khảm đặc biệt quan tâm đến nội dung về đàm phán giá.
Tại Điều 28 của dự thảo luật đang quy định về đàm phán giá áp dụng đối với thuốc biệt dược hoặc thuốc chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung nội dung về đàm phán giá đối với cả thiết bị và vật tư y tế.
"Thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chẳng hạn như trong lĩnh vực ung thư có máy xạ trị, máy nội soi can thiệp tim mạch dưới hướng dẫn của siêu âm và thường nó chỉ có 1 - 2 hãng sản xuất bán tại Việt Nam. Tương tự, máy xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm miễn dịch, mỗi lĩnh vực cũng có số lượng máy móc hạn chế...", vị đại biểu Quốc hội nêu.
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Khảm cho biết, trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền thường là sản phẩm có tính phát minh.
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Khảm cho rằng, chúng ta cần phải có cơ chế đàm phán giá để mua sắm được thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất. Điều này sẽ có lợi cho cả bệnh nhân và cho quỹ bảo hiểm y tế bởi chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế là yếu tố hình thành nên giá dịch vụ khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh.
Bình luận