Quy định lỗi thời, áp dụng máy móc
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, không chỉ Nam Định, nhiều địa phương khác cũng quy định ưu tiên cộng 1 - 2 điểm cho học sinh thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 là con của người hoạt động cách mạng trước năm 1945, trong đó có Hà Nội. “Quy định không sai nhưng thừa, không còn phù hợp và các địa phương đang áp dụng máy móc”, bà nói.
Quy định xuất phát từ Thông tư 11 năm 2014 của Bộ GD&ĐT về các trường hợp được cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh bậc THCS và THPT. Cụ thể, trường hợp thí sinh được hưởng ưu tiên là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Mục đích của thông tư này nhằm rà soát và đảm bảo quyền lợi cho tất cả trường hợp thí sinh, không bỏ sót bất kỳ ai. Tuy nhiên, theo bà Nga, sau hơn 9 năm triển khai, đến nay Bộ GD&ĐT chưa đánh giá lại, rà soát các trường hợp để sửa đổi thông tư này nên dẫn đến tình trạng các địa phương máy móc áp dụng.
Quy định cộng điểm ưu tiên thi vào lớp 10 của tỉnh Nam Định.
Ngay ở thời điểm xây dựng thông tư, Bộ GD&ĐT quá ôm đồm các trường hợp ưu tiên, phải tính đến các nhóm thí sinh này có khả thi khi áp dụng ưu tiên hay không, hay chỉ là số nhỏ lẻ 1 - 2 em trên tổng số 1 triệu thí sinh mỗi năm.
Bà Nga chỉ rõ việc các Sở GD&ĐT địa phương đưa nguyên quy định của Bộ GD&ĐT vào quy chế tuyển sinh năm nay mà "không cần biết đến có phù hợp hay không, thực hiện được hay không”. Hệ luỵ của những quy định thừa này gây nên phản ứng trái chiều từ dư luận.
“Đây là sự cẩu thả hết mức của địa phương, chỉ biết bê nguyên thông tư của Bộ GD&ĐT mà không có sự tính toán, chọn lọc phù hợp với địa phương”, nữ đại biểu tỉnh Hải Dương nói.
Độ tuổi học sinh thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 khoảng 14 - 15 tuổi, trong khi đó các Sở GD&ĐT lại tính đến cả đối tượng con thương binh, người hoạt động cách mạng trước năm 1945. Với những người hoạt động cách mạng trước năm 1945. Nếu họ còn sống đến nay cũng trên dưới 100 tuổi và con của họ ít nhất cũng trên 80 tuổi.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Bộ GD&ĐT nên rà soát lại quy định này để điều chỉnh thông tư cho hợp lý với thời cuộc. Các tỉnh cần rút kinh nghiệm khi xác định đối tượng ưu tiên cho hợp lý. Đơn cử như Hà Nội, Hà Giang, TP.HCM không có học sinh sinh sống ở hải đảo nhưng vẫn đưa quy định cộng điểm cho các em khu vực hải đảo - quy định như vậy là thừa thãi, không sát thực tế.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ)
Đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đã là luật, thông tư hay quy định thì cần thường xuyên cập nhật, phù hợp với tình hình thực tế và áp dụng được cho đại chúng, phổ biến.
Một số địa phương và Bộ GD&ĐT máy móc khi vẫn giữ quy định ưu tiên cộng điểm thi vào lớp 10 THPT cho thí sinh là con của người hoạt động cách mạng trước năm 1945. Đây là nhóm người thiểu số rất nhỏ và các trường hợp này quá xa với thực tế hiện nay. Bộ GD&ĐT nên xem xét điều chỉnh, không máy móc đưa vào quy chế.
Trước đây dư luận xã hội từng xôn xao với quy định cộng điểm ưu tiên cho thí sinh là bà mẹ Việt Nam anh hùng hoạt động cách mạng trước 1945. Do đó, khi đưa ra bất kỳ quy định hay chế độ ưu tiên cộng điểm cho nhóm thí sinh nào cần cân nhắc đến thực tế và áp dụng khả thi hay không.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) đánh giá, quy định cộng điểm ưu tiên của Bộ GD&ĐT hiện nay quá lỗi thời dẫn đến các địa phương máy móc áp dụng.
Không chỉ quy định này, còn rất nhiều quy định khác của Bộ GD&ĐT đã ban hành 10 - 15 năm nay mà chưa có đợt rà soát tổng thể để sửa đổi. Bà lấy ví dụ về quy định việc ưu tiên tuyển thí sinh có hộ khẩu khu vực biên giới, hải đảo, khu vực khó khăn trong khi rõ ràng đang hướng tới sự công bằng trong giáo dục.
Bà Minh mong tới đây, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, rút kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp, định hướng mới thay đổi giáo dục đồng bộ từ giáo viên, học sinh, thu hút nhân tài…
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần sớm điều chỉnh để chính sách ban hành phù hợp với tình hình thực tế, phục vụ cho đông đảo đối tượng trong xã hội.
"Học sinh thi vào lớp 10 thường là 15 tuổi, vậy có trường hợp nào con cái của những người hoạt động cách mạng trước năm 1945 nằm trong độ tuổi này không? Thực tế những người hoạt động cách mạng trước 1945 đến thời điểm này tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe để nhận con nuôi, con đẻ lại càng không có", ông Hoà phân tích.
Những ngày qua, dư luận xôn xao quy định cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 cho con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 của Sở GD&ĐT Nam Định.
Giải thích ngắn gọn về quy định trên, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định nói: "Đối tượng ưu tiên vào lớp 10 trong văn bản này dựa theo quy định của Bộ GD&ĐT".
Còn PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT nói, thông tư quy định đối tượng cộng điểm ưu tiên trên được ban hành năm 2014. Khi đó, ban soạn thảo muốn bao quát hết tất cả các đối tượng.
"Trường hợp này là tính cả con đẻ và con nuôi hợp pháp. Nghĩa là những người tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, nhưng đến 60 - 70 tuổi, thậm chí là nhiều tuổi hơn họ mới nhận con nuôi, nên vẫn có những trường hợp khi họ đã 90 tuổi con nuôi mới thi vào lớp 10", ông chia sẻ và cho biết, Bộ GD&ĐT đã lên kế hoạch rà soát, xem xét, nếu có những quy định không phù hợp sẽ thay đổi.
Bình luận