Phát biểu trên được đại biểu nêu tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 - 2025 trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra chiều 4/11.
Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, để đáp ứng cho nền công nghiệp hiện đại, thu nhập cao sẽ đến trong tương lai gần, cần có "cách mạng hóa về biên chế, bộ máy" cả trung ương, địa phương, các ngành.
"Có Bộ trưởng từng nói với tôi "nếu Bộ tôi giảm 30-40% biên chế chẳng hề hấn gì". Việc giảm biên chế có 2 tác dụng: Giảm được người sách nhiễu và tăng được lương cho cán bộ mẫn cán, cán bộ chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn", ông Kim nhấn mạnh.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, việc thu hút nhân tài vào khu vực công vẫn còn gặp khó khăn nhất định. Mức lương khởi điểm của công chức không đủ thuê nhà ở các thành phố lớn.
Thời gian qua, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương được nhắc đến rất nhiều. Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, ở kỳ họp này có nhiều đại biểu phát biểu, những tranh luận kéo dài về việc chữa bệnh cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.
Kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023 chỉ có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ thực tế trên, đại biểu đặt câu hỏi đã đánh giá đúng tình hình chưa?
"Về cải cách tiền lương, không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay. Cho dù như vậy, một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu thì lương cũng chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện chứ chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác", đại biểu cho hay.
Vì vậy, nhiều địa phương đã xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài. Đại biểu đề xuất từ Chính phủ có những đột phá về nhân lực mới gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.
Cùng quan tâm về vấn đề giảm biên chế, giảm thủ tục hành chính pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cần tập trung hơn nữa vào khâu xin ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp.
Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18.9% trong tổng số các quy định được rà soát). Theo đại biểu, đây là con số rất lớn. Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Những thủ tục không cần thiết này làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
“Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tín hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua”, đại biểu cho biết.
Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, đại biểu cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp.
Bình luận