• Zalo

ĐBQH: Cán bộ lơ là chống dịch là căn bệnh trầm kha, khi dịch bộc lộ rõ hơn?

Chính trịThứ Hai, 08/11/2021 11:20:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

ĐBQH cho rằng cán bộ ở cơ sở còn lơ là, chủ quan trong chống dịch và đặt câu hỏi "liệu đây có phải là căn bệnh trầm kha bấy lâu, nhưng khi dịch bệnh bộc lộ rõ hơn".

Sáng 8/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng vấn đề thực thi công vụ trong phòng chống dịch vẫn có những bất cập ở nhiều nơi. Điển hình như việc Chính phủ chỉ đạo thống nhất lưu thông hàng hóa, thông suốt giao thông vận tải, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, nhưng ở một số địa phương đã đặt ra yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao chỉ đạo thì một bộ phận cán bộ ở cơ sở còn lơ là, chủ quan trong chống dịch. “Liệu đây có phải là căn bệnh trầm kha bấy lâu, nhưng khi dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn?”, bà Hoa đặt câu hỏi.

Lấy dẫn chứng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhắc đến việc có cán bộ địa phương vi phạm quy định chống dịch khi đi đánh golf, có trường hợp xô xát giữa cán bộ và nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, hoặc có cán bộ xa rời thực tế như việc coi bánh mỳ không phải là mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó, bà Hoa cũng nêu hiện tượng cán bộ quá cứng nhắc, lạm quyền với người dân nên có cách hành xử không phù hợp như vào nhà dân bắt ép một phụ nữ đi xét nghiệm.

ĐBQH: Cán bộ lơ là chống dịch là căn bệnh trầm kha, khi dịch bộc lộ rõ hơn? - 1

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo bà Hoa, những trường hợp nêu trên không phổ biến nhưng tạo ra hình ảnh phản cảm, góp phần làm làm mất uy tín của chính quyền cấp cơ sở.

Vị đại biểu đoàn Nam Định cho rằng, bài học rút ra là bất cứ việc gì cũng cần tạo đồng thuận của người dân. Nếu người dân chưa hiểu thì cần tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Các quyết sách đưa ra phải cân nhắc trên cơ sở sức khỏe, quyền, lợi ích của người dân.

Bà Hoa cho rằng nếu người dân vi phạm quy định chống dịch thì đã có các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tránh hành động cảm tính, bất chấp quy định.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng Việt Nam đã tương đối kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên theo bà, bên cạnh gần 20.000 người chết vì COVID-19, còn nhiều trường hợp không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này và có thể gián tiếp ra đi vì COVID-19.

Vị đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng cần xem lại hệ thống y tế cơ sở khi hiện nay, chỉ khoảng 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng số địa phương thực hiện được còn ít. Chưa kể con số 30% là rất thấp so với sự cần thiết, nhu cầu của người dân.

"Chúng ta cần phải phân bổ hợp lý để đáp ứng với quy mô dân cư, chứ không phải dựa trên vấn đề về địa lý”, bà Lan nói.

Bà Lan cho rằng Chính phủ cần có chính sách, chủ trương xuyên suốt và chỉ đạo Bộ Y tế về xây dựng quan điểm phòng chống dịch.

“Bộ Y tế đã rất cực khổ, không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương, mà Bộ Y tế cũng đã thực sự vào cuộc. Về y tế cơ sở, tôi nghĩ không phải chỉ vấn đề về tiền, mà còn vấn đề về nhân lực”, đại biểu Lan nói.

Xuân Trường - Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn