(VTC News) - Theo các nhà tâm lý giáo dục, ý thức tự học của trẻ phụ thuộc vào việc nghiên cứu của cha mẹ, cha mẹ không có những hoạt động thể hiện sự tư duy như đọc sách báo, học tập… thì không thể dạy cho con ý thức tự học.
Việc tự học sẽ giúp trẻ trở nên cứng cáp, rắn rỏi, làm chủ được cuộc sống và trưởng thành nhanh hơn bạn bè cùng trang lứa. Đồng thời, trẻ cũng sẽ có kiến thức thật vững chắc và học tốt hơn bạn bè do thích thú với việc học hơn. Vậy hãy tìm ra những phương pháp giúp trẻ tự học.
Những lợi ích của việc trẻ tự học
Tự học, nghĩa là học mà không có sự giám sát trực tiếp của bố mẹ, là một cách học mang lại nhiều lợi ích. Lợi ích trước tiên phải kể đến là điểm số học tập. Những trẻ có khả năng tự học thường có điểm số cao hơn những trẻ khác bởi trẻ tích lũy được những kiến thức, nền tảng học vấn cơ bản.
Cần dạy cho trẻ cách tự học để thành công |
Quan trọng hơn, tự học tạo cho trẻ hứng thú, hình thành thói quen học tập thường xuyên và suốt đời. Tự học cũng giúp trẻ hình thành và rèn luyện đức tính tự lập, ít phụ thuộc vào người khác trong cả học tập lẫn cuộc sống.
Dạy trẻ kĩ năng tự học như thế nào?
Dạy trẻ tự học bao gồm dạy trẻ một bộ kỹ năng quan trọng như kỹ năng ghi chép, kỹ năng lên lịch học, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng học qua từ điển (đối với việc tự học ngoại ngữ)… cùng với đó là tạo ra một môi trường học tập tích cực, giao bài tập cho trẻ, hướng dẫn trẻ cách học hiệu quả...
Kỹ năng ghi chú
Ghi chú là một kĩ năng cơ bản mà trẻ cần biết. Việc liên tục ghi chú khi học sẽ giúp trẻ ghi nhớ thông tin lâu hơn, và giúp xây dựng những kĩ năng sắp xếp quý giá. Chẳng hạn, nếu bạn đang dạy trẻ bài học về hệ mặt trời, hãy cung cấp cho trẻ một bản liệt kê các hành tinh. Văn bản này nên có chỗ trống để trẻ có thể điền thông tin vào.
Trong quá trình học các kiến thức mới về hệ mặt trời, trẻ có thể hoàn thành ghi chú của mình. Hãy cân nhắc việc đưa ra cho trẻ các bài tập yêu cầu dùng phần ghi chú của mình để trẻ nhận ra giá trị của công cụ học tập hữu ích này. Các công cụ như bút nhớ dòng, bút màu và giấy nhớ rất hữu dụng cho việc ghi chú của trẻ.
Kỹ năng quản lý thời gian
Hướng dẫn cho trẻ dành một chút thời gian vào đầu giờ học để lên danh sách các bài tập, các chủ đề, kiến thức trẻ cần học, đặt ưu tiên cho hạng mục trẻ cần hoàn thành trước và sau, ước lượng thời gian trẻ cần để hoàn thành mỗi hạng mục.
Việc này nên được lặp lại hàng ngày để hình thành nên thói quen và kỹ năng quản lý thời gian.
Việc này nên được lặp lại hàng ngày để hình thành nên thói quen và kỹ năng quản lý thời gian.
Hãy để trẻ tự xếp lịch học. Việc này là cực kỳ quan trọng giúp cho trẻ tự chủ với việc học tập của mình cũng như tiếp thu những thú chúng thích. Trẻ thích học điều gì, môn học nào và thời gian nào bạn hãy tạo điều kiện hết sức. Nhưng đừng đụng vào lịch học và việc sắp xếp thời gian học của trẻ. Hãy để trẻ tự quyết toàn bộ.
Xác định mục tiêu học tập
Cha mẹ cần nói cho con động cơ, hoài bão trong học tập, xác định học vì cái gì và cho ai? Điều này lý giải việc rất nhiều em sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, nhưng lại đạt thành tích học tập cao. Ngược lại khá nhiều những em gia đình đầy đủ về vật chất, cha mẹ là người tích cực nghiên cứu song vẫn không ham học.
Một điều quan trọng nữa là cha mẹ nên tạo điều kiện, khơi dậy tinh thần tìm tòi sáng tạo của con, đừng quá tạo tâm lý cái gì cũng có sẵn, không cần nghiên cứu.
Phương pháp học tập đúng đắn
Để rèn cho trẻ tinh thần tự giác học, trước hết, các bậc phụ huynh cần rèn cho con cách chủ động tìm tòi, biết vận dụng những cái đã học vào cuộc sống, biết tham khảo cái của người khác để tìm ra cái của mình.
Một bài tập, phụ huynh có thể yêu cầu các bé giải nhiều cách khác nhau. Với nhiều câu hỏi, phụ huynh cũng nên yêu cầu bé giải đáp trước để kiểm tra xem cách nhìn nhận vấn đề của trẻ có đúng với thực tế hay không, sau đó phụ huynh mới diễn giải cho trẻ nghe ở nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.
Thúy Nga (Tổng hợp)
Bình luận