(VTC News) - Lãnh đạo TP Đà Nẵng cam kết xử lý nghiêm đối với giáo viên, hiệu trưởng tổ chức dạy thêm trái quy định.
Không cấm !
Chiều 27/3, tại Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 13 của UBND TP Đà Nẵng về quản lý dạy thêm, học thêm, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã thẳng thắn khi nói về thực trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Đà Nẵng trong thời gian qua.
Ông Xuân Anh cho rằng tình trạng giáo viên núp bóng dạy thêm vẫn còn. Vẫn còn nhiều phụ huynh tiểu học phản ánh về tình trạng dạy thêm học thêm không theo quy định.
"Chúng ta không cấm chuyện dạy thêm, học thêm mà chúng ta quản lý việc này đúng theo quy định của nhà nước, tránh tình trạng xé rào, không thuân thủ các quy định. Hơn nữa, đây là lĩnh vực rất nhạy cảm, liên quan đến các thầy cô", Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thẳng thắn nói.
Đà Nẵng quyết liệt quản lý dạy thêm học thêm bằng những biện pháp "cứng rắn" |
Đại diện Phòng GD-ĐT quận Hải Châu ý kiến: “Chúng ta có nỗ lực hạn chế việc dạy thêm học thêm, nhưng kết quả còn mang tính đối phó. Thực tế nhu cầu dạy thêm, học thêm của phụ huynh và học sinh là có nên chúng ta cần tạo điều kiện để các em được tiếp thu kiến thức.
Tuy nhiên, cần có quy định quản lý hiệu quả, phù hợp, bởi thực trạng giáo viên một nơi, cơ sở đăng ký dạy nơi khác gây khó khăn trong công tác quản lý”.
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, toàn thành phố có 456 cơ sở ngoài nhà trường được cấp phép dạy thêm (trong đó có 313 cá nhân), 878 cơ sở dạy thêm trong nhà trường (trong có đó 825 cá nhân) và 11 cơ sở quản lý lưu trí đối với học sinh tiểu học.
Qua kiểm tra đối với 344 cơ sở dạy thêm (trong đó 110 cơ sở trong nhà trường, 234 cơ sở ngoài nhà trường), lực lượng Thanh tra đã xử lý 6 cơ sở vi phạm với 5 cơ sở bị phạt tiền và 1 cơ sở bị cảnh cáo.
Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng một số cơ sở dạy thêm mượn người đứng tên đã gây khó khăn trong kiểm tra, xử lý.
"Việc dạy thêm, học thêm đều diễn ra ngoài giờ hành chính, trong khi lực lượng thanh tra lại mỏng nên rất khó khăn trong công tác thanh kiểm tra, xử lý. Bởi nếu có ý thức tốt, có đăng ký, có giấy phép thì còn quản lý được. Còn nếu lén dạy thì lực lượng thanh tra không thể biết được trừ khi có tố cáo của người dân.
Chính vì vậy, nên huy động lực lượng tổ dân phố cùng phối hợp trong công tác quản lý sẽ mang lại hiệu quả, sẽ đưa việc dạy thêm, học thêm vào nề nếp”, Phó Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Đà Nẵng đề xuất.
Theo thầy Phan Văn Tánh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho rằng học thêm dạy thêm là một nhu cầu rất thực và nhạy cảm, nên cần có ứng xử thấu tình đạt lý |
Về vấn đề này, thầy Phan Văn Tánh, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Hoa Thám cho rằng: “Chúng ta đã có nhiều biện pháp quyết liệt, văn bản hướng dẫn để xử lý tình trạng dạy thêm học thêm nhưng thực tế việc dạy thêm học thêm vẫn diễn ra.
Điều này cho thấy nhu cầu học thêm dạy thêm là có. Chính vì vậy, chúng ta cần có cái nhìn thấu tình đạt lý, công tác quản lý sao cho phù hợp, thuận tiện. Đừng để giáo viên dạy thêm cảm thấy “sợ” khi nói đến cấp phép, giấy phép dạy thêm. Có như vậy thì việc quản lý dạy thêm học thêm mới hiệu quả”.
Quy định nghiêm
|
Giáo viên dạy trái quy định lần 1 là cảnh cáo toàn ngành và tái diễn lần 2, lần 3 sẽ luân chuyển, thậm chí cho thôi việc.
Nghị định của Chính phủ đã ra đời từ năm 2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giáo dục, xử phạt ra sao, thu rút giấy phép thế nào đã có và quy định rất nghiêm.
Chỉ có việc chúng ta thực hiện công tác thực hiện chưa tốt. Việc buông lỏng quản lý ở các cấp được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
Nhưng công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện còn chưa tốt, lực lượng thanh tra còn mỏng, vẫn còn tình trạng xuê xoa, cả nể. Như một số đại biểu phát biểu là báo trước thì không đủ chế tài. Nhưng quy định thì đủ mức độ nghiêm.
Chỉ là ta thực hiện quy định ấy như thê nào. Có quyết tâm làm hay không thôi, giáo viên vi phạm chúng ta có đưa ra xử lý hay không thôi. Nếu trường có giáo viên dạy thêm trái phép thì Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, thậm chí Hiệu trưởng phải thôi giữ chức vụ".
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵn Nguyễn Xuân Anh, công tác quản lý dạy thêm học thêm còn xê xoa, cả nể nên rất cần sự chung tay của báo chí |
Tuy nhiên, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng thừa nhận: "Như đích thân tôi qua trường Phù Đổng, làm việc với Hiệu trưởng và cảnh báo với Hiệu trưởng là nếu trường Phù Đổng xuất hiện giáo viên dạy thêm trái phép cho học sinh tiểu học thì Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, thậm chí thôi làm Hiệu trưởng. Quyết tâm của UBND là rất cao trước tình hình thế này. Tuy nhiên việc thực hiện chưa được tốt”.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng hoan nghênh báo chí nêu và các kênh cung cấp thông tin cho các cơ quan hữu quan về thực trạng dạy thêm học thêm trái phép nếu có. Và trường nào bị nêu thì ngoài việc giáo viên bị kỷ luật, hiệu trưởng trường ấy sẽ bị xử lý. Ban đầu là không xét thi đua và nếu tái diễn thì hiệu trưởng sẽ bị luân chuyển công tác.
“Một trường hợp nào đó vi phạm thì rất mong báo chí cung cấp thông tin. Tôi cam kết là việc xử lý sẽ được thực hiện nghiêm và rất nghiêm”, ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Anh, không chỉ vấn đề dạy thêm học thêm mà nhiều vấn đề khác cũng cần ra tay quyết liệt.
“Việc chỉ có 50% học sinh tiểu học được học bán trú buổi thứ 2 là vấn đề mà chúng tôi đang rất quan tâm. Sẽ là thiếu công bằng giữa chính các em học sinh được bán trú và không được bán trú nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Chính vì vậy, chủ trương cấm học trái tuyến tại các trường trung tâm là việc làm nhằm mang lại sự công bằng này. Chúng tôi đang nỗ lực đến năm 2016, Đà Nẵng sẽ chấm dứt việc học sinh không được học 2 buổi tại trường”, ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.
Bửu Lân
Bình luận