TS.BS Lâm Đức Tâm – Phó Chủ nhiệm bộ môn Phụ sản trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Phó Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ cho biết, dây rốn bám màng là tình trạng bất thường về dây rốn khá hiếm gặp, có khả năng gây nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ và thai nhi.
Thông thường trong một thai kỳ, các mạch máu của thai nhi chạy qua dây rốn kết nối trực tiếp vào giữa nhau thai của người mẹ. Khi có hiện tượng dây rốn bám màng, dây rốn của thai nhi sẽ chèn bất thường vào rìa của bánh nhau dọc theo màng nhau - ối khiến các mạch máu của thai nhi phải hoạt động mà không có sự bảo vệ của nhau thai cho đến khi chúng kết nối với nhau tại dây rốn.
“Dây rốn bám màng là biến chứng thai nghén nguy hiểm chiếm khoảng 1% các trường hợp mang thai đơn và 15% các trường hợp mang thai đôi. Điều này sẽ gây cản trở việc hấp thu thức ăn nuôi dưỡng thai nhi, hay nói cách khác trẻ chỉ hấp thu được thậm chí chỉ là 30% các dưỡng chất cần thiết gây ra suy dinh dưỡng bào thai, sinh non hay thai lưu bất cứ lúc nào.
Dây rốn bám màng đặc biệt nguy hiểm trong giai đoạn chuyển dạ khi có những cơn gò tử cung có thể làm rách màng ối, đứt dây nhau và cắt đứt nguồn máu nuôi thai khiến thai bị ngạt và mất tim thai đột ngột khi vẫn còn trong bụng mẹ. Ngoài ra, các bất thường của vị trí bám còn làm gia tăng nguy cơ các bệnh lý như nhau bong non, nhau tiền đạo, tiền sản giật”, TS.BS Lâm Đức Tâm thông tin.
Cũng theo TS.BS Lâm Đức Tâm, phát hiện dây rốn bám màng càng sớm sẽ càng giúp các bác sĩ chủ động và kịp thời trong việc lên phương án theo dõi thai phù hợp và chuẩn bị các tình huống xử lý cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp.
Dây rốn bám màng có thể được chẩn đoán dựa trên hình ảnh siêu âm của nhau thai và dây rốn trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp để ngăn ngừa tình trạng dây rốn bám màng vì chưa rõ cơ chế bệnh sinh trong quá trình phát triển của thai nhi. Điều mà các mẹ bầu có thể làm là phát hiện bệnh càng sớm càng tốt thông qua việc khám thai định kỳ và siêu âm thai nhằm có biện pháp theo dõi kịp thời.
Bình luận