Tepui là dãy núi gồm những đỉnh núi phẳng ở cao nguyên Guayana thuộc Nam Mỹ. Phần lớn dãy Tepui nằm trên lãnh thổ Venezuela. Trong ngôn ngữ của người da đỏ Pemon – dân bản địa sống trong vùng Gran Sabana, Venezuala thì Tepui có nghĩa là “Nhà của các vị thần”.
Tepui được cho là những phần sót lại của một cao nguyên đá sa thạch lớn, đã từng bao phủ lớp đá granit hỗn độn giữa biên giới phía Bắc của lưu vực sông Amazon và Orinoco, giữa bờ biển Đại Tây Dương và Rio Negro, trong thời kỳ tiền Cambri. Đó là những lớp đá trầm tích chứa chủ yếu loại khoáng chất fenspat phổ biến ở lớp vỏ Trái đất và thạch anh đa sắc.
Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử Trái đất, cao nguyên này bị xói mòn, tạo nên các ngọn đồi đơn độc mọc lên giữa vùng đồng bằng hay còn gọi là monadnock. Sau đó, dưới sự tác động của gió và nước mưa, các monadnock này lại tạo thành nhiều Tepui có đỉnh bằng phẳng hay còn được gọi là mặt bàn như ngày nay.
Theo ước tính, có khoảng 115 Tepui cao nhất tập trung ở khu vực Gran Sabana, phía Tây Nam Venezuela. Trong đó đỉnh nổi tiếng nhất có tên là Roraima sở hữu độ cao 2.810m, với diện tích khoảng hơn 30km vuông, được khám phá từ năm 1884.
Tepui cao nhất cách mặt đất khoảng 3.100m có vách dựng đứng và thảm rừng nhiệt đới dày đặc khiến con người khó lòng tiếp cận bằng cách đi bộ thông thường. Các nhà khoa học lẫn nhà thám hiểm đều chưa thể đặt chân lên đến tận cùng của đỉnh Tepui.
Độ cao của Tepui khiến chúng có khí hậu khác so với tầng mặt đất. Đỉnh núi thường mát hơn với lượng mưa thường xuyên, trong khi các vùng khác của ngọn núi có khí hậu ẩm nhiệt đới. Nhiều loại thực vật khác lạ đã phải thay đổi cơ thể để thích nghi với môi trường sống ở đây, từ đó hình thành nên những loài quý hiếm tại Tepui.
Phần lớn các đỉnh trong dãy Tepui tách rời nhau chứ không liền mạch. Vì thế mỗi quả núi là một “vương quốc” với hệ sinh thái độc lập. Người ta đoán rằng ít nhất “một nửa trong số 10.000 loài thực vật được ước tính ở đây” là chủng loài độc nhất chỉ có ở dãy Tepui và khu vực lân cận.
Bình luận