Đẩy nhanh các biện pháp kiểm soát chất lượng không khí tại Hà Nội

Đời sốngChủ Nhật, 20/06/2021 10:48:00 +07:00
(VTC News) -

Tình trạng đốt rơm rạ, chất thải phụ phẩm sau thu hoạch diễn ra tại các huyện ngoại thành Hà Nội buộc thành phố tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm trầm trọng

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số cánh đồng trên địa bàn huyện Quốc Oai, Thanh Trì, Đông Anh (Hà Nội) nhan nhản hình ảnh người dân đốt những đống rơm, lửa cháy cuồn cuộn, khói đen mù mịt bốc lên cao rồi tản ra khắp đường làng, ngõ xóm.

Anh D.Q.T (ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội) chia sẻ: "Dọc đường Trường Sa hướng về nhà tôi không khó để bắt gặp cảnh người dân đốt rơm rạ trên những cánh đồng. Khói từ những đống rơm rạ đang cháy bốc lên cao, rồi gặp gió thổi bay vào các khu dân cư khiến đường xá mù mịt, không khí trở nên nóng bức, gây cảm giác khó thở.

Tôi thấy việc làm này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cũng như sức khỏe của mọi người nhưng không thấy cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để".

Đẩy nhanh các biện pháp kiểm soát chất lượng không khí tại Hà Nội - 1

Nông dân ngoại thành Hà Nội đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí trầm trọng.

Không chỉ gây ô nhiễm trong khu dân cư, khói rơm rạ bay ra ngoài đường có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tại Đại lộ Thăng Long, những chiếc xe chạy với tốc độ cao bị khói rơm bủa vây hạn chế tầm nhìn. Khói bụi trở thành nỗi khiếp sợ của cánh tài xế vào mỗi buổi chiều khi người dân đồng loạt châm lửa đốt rơm rạ trên các cánh đồng rộng lớn.

Hầu hết người dân đều biết việc đốt rơm rạ ảnh hưởng đến môi trường và những người xung quanh nhưng họ không biết xử lý số rơm rạ sau mỗi vụ ra sao. Bởi nếu chất thành đống trên bờ ruộng sẽ tạo điều kiện cho sâu bọ gây hại tới vụ sau.

Ông Nguyễn Xuân Tưởng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu vụ, chính quyền đã ra thông báo ngăn cấm người dân đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, một số người vẫn tranh thủ đốt nhưng cũng bị lực lượng chức năng xã phát hiện nhắc nhở và bắt dập lửa.

Dù tình trạng người dân đốt rơm rạ vẫn đang tiếp diễn nhưng ông Trịnh Minh Thủy - Phó chủ tịch xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) cho biết, chính quyền xã vẫn chưa có phương án hỗ trợ người dân xử lý rơm rạ, bởi chưa tìm được đầu ra nên người dân để rơm rạ lại ngoài ruộng chờ trời mưa tự phân hủy.

"Thực hiện thông báo của UBND TP Hà Nội về việc nghiêm cấm đốt rơm rạ, UBND xã đã thông báo lên hệ thống truyền thanh của xã, triển khai đến các trưởng thôn tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ, phơi thóc lúa trên đường. Tuy nhiên, còn một số hộ dân đốt cỏ, rơm thừa sau khi thu dọn", Phó chủ tịch xã Mỹ Hưng thông tin.

Còn tại xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã cho biết, việc đốt rơm rạ trên địa bàn không còn, bởi người dân sau khi thu hoạch lúa sẽ gom rơm rạ mang về để trồng nấm, ủ phân, hoặc đắp vào gốc cây cho phân hủy.

"Nếu xã chúng tôi có khói bay mù mịt thì có thể do từ các xã lân cận bay sang vì tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn đã không còn. Tuy nhiên, thời điểm trước bầu cử, một số người dân ở thôn Lũng Động thu hoạch lúa tận dụng mép đường để phơi lúa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ngay sau đó, lực lượng công an xã có mặt để lập biên bản, vận động, tuyên truyền, nhắc nhở người dân nếu còn tái diễn sẽ bị xử lý", ông Chiến cho hay.

Đẩy nhanh các biện pháp kiểm soát chất lượng không khí tại Hà Nội - 2

Hình ảnh người dân ở huyện Thanh Oai đốt rơm rạ tại cánh đồng sau khi thu hoạch lúa.

Cần triển khai đồng bộ các phương án kiểm soát ô nhiễm không khí

Theo chuyên gia môi trường, trong khói đốt rơm rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than và các khí CO, CO2, SO2... rất độc. Nếu hít nhiều có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp, nhiễm trùng phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính. Chưa kể, việc đốt rơm rạ còn góp phần gia tăng lượng khí thải vào khí quyển, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng như tăng nguy cơ hiệu ứng nhà kính.

Mới đây, tại hội thảo trực tuyến "Quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội - Thực trạng các nguồn gây ô nhiễm và giải pháp", các chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp, nhà quản lý đã chia sẻ các giải pháp hỗ trợ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội.

Theo đó, các chuyên gia đề xuất cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn; lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát. Ngoài ra cần thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch; các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị; kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải, dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải; phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành.

Theo các chuyên gia, Hà Nội cần kiểm tra lượng xả thải của các loại xe đang lưu thông và dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải; đồng thời phát triển nhanh mạng lưới giao thông công cộng nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành; đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh.

Từ thực trạng ô nhiễm cũng như những kiến nghị, đề xuất của các địa phương và các chuyên gia, UBND TP Hà Nội tiếp tục có những chỉ đạo về tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn Thủ đô.

Trước mắt, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định; xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn