Quảng Ngãi lập 4 đoàn giám sát tại 4 đơn vị
Thực hiện Thông báo số 773-TB/TU ngày 14/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về nội dung giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh năm 2023, Kế hoạch số 262/KH-LĐLĐ ngày 05/4/2023 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh về việc tổ chức giám sát năm 2023, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát và tổ chức giám sát trực tiếp tại 4 đơn vị, gồm: Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty cổ phần Phúc Hưng, Công ty cổ phần Thương mại Bắc Sông Trà, Công ty TNHH King Marker III Việt Nam.
Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện các chế độ liên quan đến tiền lương, thu nhập, hợp đồng lao động (HĐLĐ); thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); quy chế dân chủ ở cơ sở; an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; việc thu kinh phí công đoàn; thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ; công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tình hình chính trị - kinh tế thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã cố gắng khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động và cơ bản thực hiện tốt các quy định của pháp luật như: Xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động và gửi cơ quản lý nhà nước về lao động. Ngoài tiền lương, người lao động còn được nhận thêm phụ cấp (như: phụ cấp nặng nhọc, độc hại, phụ cấp chức vụ…); các khoản bổ sung (như: thưởng chuyên cần, thưởng sản lượng, tăng ca…); các khoản hỗ trợ khác (như: xăng xe, nhà ở, trợ cấp nuôi con nhỏ…) góp phần cải thiện đời sống, việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Một số đơn vị thực hiện tốt việc trích đóng kinh phí Công đoàn; tham gia và trích đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Đối với các chế độ do cơ quan BHXH chi trả, các doanh nghiệp đều làm hồ sơ đề nghị để cơ quan BHXH thực hiện việc chi trả các chế độ trực tiếp vào tài khoản của người lao động, đảm bảo quyền lợi của người lao động được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.
Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với lao động nữ, đảm bảo quyền làm việc bình đẳng của người lao động, các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, chế độ phúc lợi, cải thiện điều kiện làm việc và quan tâm chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ.
Định kỳ tổ chức hội nghị người lao động. Thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của người lao động thông qua nhiều hình thức như: Đối thoại trực tiếp, đối thoại gián tiếp qua kênh Công đoàn Công ty, qua các ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo, ứng dụng Microsoft team.. Với hình thức đối thoại được thực hiện một cách linh hoạt, chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 đã giảm bớt các thủ tục hành chính, giúp người sử dụng lao động kịp thời giải quyết những vướng mắc của người lao động, góp phần phát huy tính dân chủ, ngăn ngừa và hạn chế tranh chấp lao động xảy ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:
Về nội dung HĐLĐ: Hầu hết các đơn vị khi xây dựng nội dung HĐLĐ chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như: Không có bảng mô tả chi tiết công việc cho từng vị trí việc làm; chưa có nội dung chi tiết về cấp phát bảo hộ lao động; về bố trí phương tiện đi lại; chưa ghi rõ chức danh nghề nghiệp đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại…
Về TƯLĐTT: Nội dung chủ yếu còn sao chép luật; chưa quy định rõ ràng, cụ thể về các chế độ phúc lợi, còn có nội dung chưa đúng với quy định của pháp luật; chưa đánh giá, xếp loại chất lượng TƯLĐTT hằng năm.
Về phát triển đoàn viên, trích đóng kinh phí Công đoàn: Vẫn còn đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển đoàn viên; chưa thực hiện tốt việc trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định tại Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ.
Qua giám sát, Đoàn giám sát của Liên đoàn Lao động tỉnh đã đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục một số tồn tại, thiếu sót trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn đầy đủ qua tài khoản công đoàn Việt Nam, đúng thời hạn theo quy định… nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Bình Định giám sát chấp hành quy định của bộ Luật LĐ tại doanh nghiệp
Vừa qua, Đoàn giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định về “Công tác quản lý và chấp hành một số quy định của Bộ luật Lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh", đã làm việc với UBND TX An Nhơn, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và xã hội và khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp (DN). Lãnh đạo Liên hiệp Hội là thành viên của đoàn giám sát.
Nội dung giám sát tập trung vào một số nội dung về công tác quản lý và chấp hành Luật Lao động như: Công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến các quy định của luật Lao động 2019; việc chấp hành các quy định về hợp đồng lao động, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, các quy định về tiền lương, BHXH, BHYT, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) công tác thanh tra, kiểm tra…
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh có trên 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 156 nghìn lao động đang làm việc. Trong đó, 8 DN nhà nước, 61 DN FDI, còn lại là DN dân doanh. Có 212 DN trong 7 khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng số lao động 16.500 người. Đa số doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các quy định về tiền lương, trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu, tiền lương được trả đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận.
Hàng năm, các DN đã xây dựng kế hoạch và dành một phần kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Các DN trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hoặc cử người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho trên 3.200 lượt người, qua đó đã giúp cho người lao động nâng cao trình độ kỹ năng nghề của bản thân, đáp ứng được yêu cầu của công việc và của người sử dụng lao động.
Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với BHXH tỉnh triển khai nhiều giải pháp để phát triển lao động thuộc khu vực phi chính thức tham gia BHXH. Số lượng DN tư nhân và lao động trong các DN tư nhân tham gia BHXH tăng qua từng năm: Năm 2021 có 3.220 DN, với 71.843 lao động tham gia BHXH; đến năm 2022 có 3.524 DN, với 84.531 lao động tham gia BHXH, tăng 304 DN (9,4%).
Các Sở ngành, địa phương, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh chủ động, tích cực trong công tác phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị liên quan thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất tại các đơn vị sử dụng lao động; tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với những đơn vị cố tình vi phạm trong lĩnh vực lao động và BHXH, BHTN…
Tuy nhiên việc chấp hành Luật Lao động trong thời gian qua cũng còn những tồn tại và bất cập. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến với các DN còn hạn chế. Tỷ lệ lao động được ký kết hợp đồng lao động còn thấp so với tổng số lao động đang làm việc trong DN (có khoảng 23,3% lao động chưa được ký kết hợp đồng lao động).
Nhiều DN chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật lao động; Công tác huấn luyện ATVSLĐ tại hầu hết các DN gặp một số khó khăn, còn nhiều DN trốn đóng, chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, còn tình trạng người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần…
Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ, phối hợp giải quyết những vấn đề còn khó khăn, hạn chế trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Lao động tại DN; tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đối thoại, hướng dẫn các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh các nội dung liên quan đến Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHTN để người lao động hiểu rõ về quyền, trách nhiệm tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHTN, nhất là về các quyền lợi của chế độ hưu trí, lợi ích của việc bảo lưu thời gian tham gia BHXH, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc thực hiện chính sách lao động, tiền lương, BHXH, BHTN… để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bình luận