Có lẽ chưa bao giờ cụm từ “on - off” (học trực tuyến - trực tiếp) lại được nhắc nhiều trong trường học và giáo viên chuyển trạng thái từ off sang on và ngược lại nhanh như bây giờ.
Giáo viên xoay như chong chóng
Chia sẻ chuyện dạy học thời dịch của giáo viên, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) kể, có giáo viên phải chạy xe 17 km từ nhà vào trường để dạy off (trực tiếp) tiết 1, còn tiết 2, 3 mở laptop ra dạy on (trực tuyến), tiết 4 dạy off và tiết 5 lại mở máy dạy online.
Có ngày, giáo viên chỉ vào trường dạy 1 tiết off, còn lại là on. Các thầy cô giáo phải “xoay như chong chóng”, chuyển trạng thái nhanh chưa từng có trong lịch sử dạy học. Nhiều hôm, giáo viên liên tục đi tìm phòng có wifi đủ mạnh để có thể truyền đạt tốt nhất cho các học sinh F0, F1 đang cách ly tại nhà.
Một tình huống dở khóc dở cười được thầy Phú kể lại: Có giáo viên tới trường với hy vọng dạy được trọn vẹn 5 tiết off, nhưng vào lớp thì thấy trống hoác, chỉ còn 14 em. Hỏi ra mới biết có 1 F0 nhưng có tới 20 em tự nhận mình là F1.
“Lớp trưởng cho hay, 20 F1 này rủ nhau nghỉ chứ chưa có ai tiếp xúc gần với bạn F0. Tối về cô giáo phải dạy trực tuyến cho 21 em đang cách ly tại nhà”, thầy Phú cho biết.
Nếu giáo viên cũng mắc COVID-19 thì sao? Thầy Phú cho biết, khi đó việc dạy và học vẫn diễn ra, chỉ hơi khác thường một chút. Chẳng hạn, cô Đào bị F0, có triệu chứng sốt nhẹ, phải ở nhà cách ly điều trị nhưng vẫn dạy trực tuyến cho cả lớp đang ở trường. Thầy Đạo vẫn làm một loạt thí nghiệm về nguyên tố nhôm cho cả lớp 12A3 theo hình thức trực tuyến.
Cô Loan dạy Ngữ văn mắc COVID-19 với nhiều triệu chứng. Để đảm bảo việc học của các trò, cô ra hai đề chẵn lẻ trên màn hình, cả lớp 12A18 làm suốt 2 tiết, rồi từng em chụp bài làm gửi qua Zalo cho cô. Suốt 7 ngày cách ly, cô chấm và cẩn thận phê từng bài một.
Tình hình cũng tương tự ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1). Hiệu trưởng Vũ Thị Ngọc Dung cho hay, giáo viên trong trường luôn sẵn sàng chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến bất cứ lúc nào. Họ đi dạy trên lớp nhưng luôn mang theo laptop, chờ thông báo test nhanh gia đình học sinh gửi.
Vào 18h hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm báo cho phó hiệu trưởng phụ trách nắm bắt thông tin F0, F1 của mỗi lớp. Sao đó, thầy hiệu phó thông báo cho toàn thể giáo viên biết hôm sau lớp nào học trực tuyến, lớp nào học trực tiếp để mọi người chủ động hơn. Tuy nhiên, luôn có tình huống bất ngờ xảy ra, nếu ít học sinh trên lớp quá thì phải cho cả lớp học trực tuyến, giáo viên phải "xoay" ngay.
Chịu cực để trò được học trực tiếp
Cô Vũ Thị Ngọc Dung tâm sự: "Học trực tiếp bao giờ cũng hơn trực tuyến nhưng học sinh trên lớp ít quá thì dạy không hiệu quả, thiệt thòi cho những em ở nhà nên phải chuyển học trực tuyến". Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay, hiện ở trường này, lớp học trực tiếp vẫn nhiều hơn, nhưng nếu rơi vào tình huống F0 tăng cao, học sinh trên lớp ít thì giáo viên phải chấp nhận dạy trực tuyến. Họ phải rất linh hoạt, chuẩn bị mọi thứ để off hoặc on theo tình hình F0, F1 của lớp.
"Nhưng giáo viên vẫn vui vì còn được dạy học, chứ nhớ lại thời kỳ giãn cách xã hội, thành phố phong tỏa ở nhà mấy tháng liền, các thầy cô buồn khổ biết bao. Cực một chút nhưng phải chịu vì ai cũng hiểu đó là tình hình chung, còn dạy học được là còn cố gắng, chứ nguyên học kỳ I học trực tuyến, hiệu quả không cao. Cố gắng gồng mình, cực tới mấy cũng cố gắng để học sinh được học trực tiếp", cô Dung chia sẻ.
Đó cũng là quan điểm của thầy Huỳnh Thanh Phú. Do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, số F0 trong trường có xu hướng tăng, Trường THPT Nguyễn Du luôn tổ chức song hành việc dạy học trực tiếp và trực tuyến. "Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng hết mức tận dụng việc học trực tiếp, khi nào khó khăn lắm mới chuyển sang học trực tuyến để đảm bảo lượng kiến thức cho các em. Dù gì thì học trực tiếp mới có hiệu quả cao, học trực tuyến không thể bằng”, thầy Phú nói.
Bình luận