Sai phạm lớn
Tại kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa được công bố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không chỉ có nhiều sai lầm trong việc đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ, mà còn hạch toán nhiều khoản chi sai không đúng mục đích vào giá bán điện. Điều đáng nói những thua lỗ này được EVN tính vào giá điện tăng cho người dân.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, một trong những sai phạm nghiêm trọng nhất đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là EVN đã đầu tư ra ngoài ngành số tiền lớn hơn cả số vốn điều lệ của công ty và được “chỉ đạo lỗ”.
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỷ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. EVN phải giải thích rõ các khoản thua lỗ
Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỷ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỷ đồng.
Đặc biệt, các tổng công ty như Điện lực miền Nam còn được giao kế hoạch lỗ trong sản xuất kinh doanh lên đến hơn 1.200 tỷ đồng. Tổng công ty Điện lực Hà Nội cũng không bảo toàn được vốn trong năm 2011 do thực hiện kế hoạch lỗ EVN giao, vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm hơn 328 tỷ đồng.
Ngoài ra, hầu hết các tổng công ty được kiểm tra đều đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với số tiền hàng trăm tỷ đồng…
Theo ông Phong, chỉ với việc đầu tư ngoài ngành lớn hơn so với vốn điều lệ và “chỉ đạo” lỗ nhằm hợp thức hóa các khoản lỗ này cũng đủ để “cách chức” lãnh đạo trực tiếp quản lý vấn đề này.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc EVN phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra các tồn tại.
Thanh tra kiến nghị Bộ Công Thương tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ có liên quan đến việc đầu tư vào EVN Telecom gây mất vốn nhà nước số tiền 2.425 tỷ đồng.
Có sự thông đồng, ăn chia?
Không chỉ kinh doanh thua lỗ, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những sai sót trong việc tính giá điện cho người dân.
Cụ thể, tính đến thời điểm tháng 7/2012, mặc dù Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện và khung giá bán buôn điện, nhưng EVN vẫn tự quyết định giá bán buôn điện cho các tổng công ty điện lực cao hơn so với giá bán buôn điện bình quân được bộ quy định.
Cụ thể, trong năm 2011, Bộ Công Thương quy định có 2 thời điểm điều chỉnh giá bán buôn điện cho các Tổng Công ty Điện lực từ 1/1 đến 1/3/2011, giá bán buôn quy định bình quân là 718,1 đồng/kWh, và từ 1/3 đến 31/12/2011, quy định giá bán buôn là 891,4 đ/kWh, trong khi Công ty mẹ EVN quyết định giá bán cao hơn quy định này.
Hiện EVN đang quản lý 13 công ty thuỷ điện hạch toán phụ thuộc, được EVN giao khoán chi phí và được Bộ Công Thương thẩm định chi phí hàng năm.
Khi thanh tra chi phí sản xuất điện của 5 nhà máy mới vận hành trong năm 2011, giá thành sản xuất điện chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối và phụ trợ đều rất cao so với giá bán lẻ điện bình quân được duyệt.
Cụ thể, giá bán điện bình quân Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ là 1.242 đ/kWh, nhưng thủy điện Đồng Nai đã có giá thành sản xuất tới 2.730,77 đ/kWh; thủy điện Sông Tranh là 1.178,4 đ/kWh; thủy điện Đại Ninh là 1.011,85 đ/kWh;... EVN đã gian dối người dân suốt một thời gian dài. TS Lê Đăng Doanh
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc EVN không công khai, minh bạch cũng như hạch toán nhiều khoản chi sai không đúng mục đích vào giá bán điện đã đẩy gánh nặng về giá điện lên vai những người dân.
Theo ông Long, việc EVN đẩy giá bán buôn điện cho các doanh nghiệp cao hơn so với khung quy định là một việc rất bất bình thường. Bởi lẽ, khung của Bộ đã quy định rõ, vì vậy tại sao các Tổng công ty điện khác dù biết vẫn chấp nhận mua mà không kiến nghị hoặc có ý kiến với Bộ Công thương.
“Tôi cho rằng, việc mua bán này rõ ràng có sự ăn chia và thông đồng giữa EVN và các tổng công ty điện lực. Tôi không tin có doanh nghiệp nào chấp nhận mua đắt, vượt khung mà không có ý kiến”, ông Long nhận định.
Còn theo TS Lê Đăng Doanh, trước đây, mỗi lần tăng giá điện, EVN lại viện dẫn hàng loạt lý do như giá than tăng, chi phí sản xuất tăng,… Đồng thời, EVN luôn khẳng định là không hạch toán các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành vào giá điện. Đặc biệt, EVN luôn cho rằng phải tăng giá điện thì mới thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào ngành điện.
Tuy nhiên, con số của Thanh tra Chính phủ đã nói điều ngược lại. Như vậy, EVN đã gian dối người dân suốt một thời gian dài.
“EVN cần phải giải thích về kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng như công bố các chi phí thực sự cấu thành giá điện, để tránh gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp”, ông Doanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Doanh, EVN là doanh nghiệp nhà nước, vì vậy chi sai một đồng cũng là có lỗi với người dân, huống hồ EVN đang sai tới hàng ngàn tỷ đồng. Điều đáng nói là dù chi sai nhưng EVN lại đẩy gánh nặng này lên vai người dân.
“Tôi cho rằng, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng phải làm rõ vì sao để EVN chi sai một số tiền lớn như vậy”, ông Doanh nói.
Châu Anh
Bình luận