Những ngày qua, cộng đồng mạng dậy sóng bởi một đoạn clip dài 4 phút quay lại cảnh một bà mẹ dùng cán chổi đánh vào tay, chân và đầu cô con gái của mình. Tạm thời bỏ qua những tranh cãi về bà mẹ, đứa trẻ hay người quay clip, điều đáng nói ở đây chính là dạy con có nhất thiết phải "cho roi cho vọt".
Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy những cảnh dạy con như thế này, cũng không phải là lần đầu tiên nhiều người lên án hành động trên. Và dĩ nhiên, chưa bao giờ việc bạo hành trẻ em này có chiều hướng suy giảm. Nhiều bậc cha mẹ mang tâm lý muốn con ngoan thì phải dùng đòn, nhưng lại không biết rằng càng đánh càng khiến trẻ không ngoan.
Dạy con khi nào là đúng?
Từng nghe câu "Uốn cây từ thuở còn non" mà chưa ai biết non là lúc nào. Một đứa trẻ, muốn dạy trẻ biết lắng nghe, phải dạy phải uốn từ khi chúng còn trong bụng mẹ cho đến khi trẻ hoàn toàn ý thức được trách nhiệm của mình trong gia đình. Theo như lời chia sẻ của chị Hương Thu (Chuyên viên tư vấn của Viện nghiên cứu giáo dục) về sự việc bạo hành trên: "Khi ta không cho trẻ kiến thức và nhận thức về trách nhiệm của việc phải làm trong gia đình từ nhỏ, rồi tạo thói quen đó cho trẻ, sao lại bắt trẻ làm việc nhà khi mà trong nhận thức của trẻ hoàn toàn không có khái niệm gì về những việc trẻ phải làm. Kết quả trẻ không làm hoặc bê trễ, hoặc làm với thái độ không tốt là điều chắc chắn sẽ xảy ra".
Chúng ta ai cũng từng là một đứa trẻ, từng lớn lên trong những trận đòn roi, nhưng ở độ tuổi nào đó, có bao giờ chúng ta hiểu hết về những trận đòn ấy? Căn bản vì một đứa trẻ sẽ không thể biết được trách nhiệm của bản thân nếu chúng không được chỉ dạy trước đó, chúng hoàn toàn không biết ở độ tuổi nào phải làm những việc gì.
Trẻ em luôn học hỏi từ chính cuộc sống hàng ngày và cách hiệu quả nhất để dạy bọn trẻ là người lớn phải làm mẫu và đối xử với chúng theo cách mà cha mẹ muốn chúng đối xử với người khác, bằng tình thương và sự thấu hiểu chứ không phải la mắng hay sử dụng các biện pháp kỷ luật. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng bậc cha mẹ không cần đưa ra những quy tắc hành xử: không chạy ngoài đường, không đánh em, không đi tiểu trên thảm, không lớn tiếng, không được phép hỗn với người lớn, không làm tổn thương các con vật... đều là những nguyên tắc mà bản thân mỗi cha mẹ tự lập ra để dạy con nhưng không cần phải phạt trẻ chỉ để ép chúng làm đúng các quy định đó.
Có nên thương cho roi cho vọt?
Nhiều người nghĩ rằng “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nên sẵn sàng đánh con như một cách để giáo dục trẻ vào khuôn phép. Ngày còn nhỏ, sau mỗi trận đòn, tôi đều nghe mẹ nói như thế rồi mặc nhiên hiểu rằng chỉ khi đánh mới là yêu. Nhưng bạn có tưởng tượng được không rằng khi một đứa trẻ lớn lên, chúng có thể dùng cách "thương" này với tất cả mọi người?
Đa phần các bậc cha mẹ đánh con như một kiểu để trút giận, như đoạn clip mà chúng ta đã được xem qua. Cơn giận của người lớn liên tục đổ xuống người đứa con, không có điểm dừng, không có sự kết thúc. Trong lúc đánh, người mẹ lại liên tục quát mắng, bảo con nằm xuống chịu trận mà không một lời giải thích cho con hiểu vì sao con lại bị đánh, vì con không ngoan hay làm sai chuyện gì. Bạn nghĩ đánh xong trận này, lần sau trẻ có tái phạm nữa không? Câu trả lời là có. Vì trẻ chỉ khóc vì đau và sợ, còn cha mẹ chỉ biết giận dữ quát mắng "thương bằng roi".
"Xét về tâm lý của trẻ, khi người mẹ dùng đòn roi một cách thô bạo chứ không phải là mang tính chất cảnh cáo, hậu quả là tâm lý hoảng loạn của trẻ sẽ theo trẻ trong một khoảng thời gian rất dài, chưa tính đến việc tâm lý chống đối nhen nhóm trong trẻ với những biến chuyển phức tạp ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ sau này. Xét về khả năng chịu đựng của con người, lần bị đánh này quá đau sẽ làm con trở nên lì đòn với những lần đánh nhẹ hơn, kết quả sẽ là một em bé bị đánh đau không khóc và biết mím môi lì lợm chịu đòn chứ không có ý định thay đổi, hay sửa sai. Xét về khả năng tiếp thu, trẻ sẽ hoàn toàn không thể tiếp thu lời đe nẹt và dạy dỗ của mẹ vì phần não điều khiển cảm xúc nhận thấy sự tiêu cực dẫn đến ngưng tiếp thu những thông tin truyền vào như một sự tự vệ chính đáng" - Chị Hương Thu chia sẻ tiếp.
Lấy mình ra làm ví dụ, có phải đã có nhiều trận đòn bạn im lặng chịu đựng, không khóc và trong đầu nghĩ rằng rất căm thù những trận đòn vô cớ đó? Cứ như thế, hãy thử áp dụng vào con cái, rồi chúng cũng sẽ như thế, sẽ căm ghét, sẽ chai lì hơn và khó dạy bảo hơn. Chưa kể tâm lý đánh một lần thì sẽ đánh tiếp lần thứ hai, thứ ba. Một lần đánh không chừa, lần sau sẽ đánh mạnh hơn, mạnh hơn nữa mà đâu biết được vốn dĩ con không hề tiếp thu, không hề hiểu cha mẹ muốn dạy bảo điều gì.
Thay vì "thương bằng roi" hãy thương con đúng nghĩa
"Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" đã không còn là câu nói đúng cho phương pháp dạy con của các bậc cha mẹ hiện đại nữa. Thay vì "thương bằng roi", bạn có quyền thương con theo đúng nghĩa đen mà lại có hiệu quả rất nhiều.
Hãy tự điều chỉnh cảm xúc bản thân, đó cũng là một điểm mà bọn trẻ sẽ học từ bạn. Đừng hành động nóng vội khi đang tức giận. Hãy hít thở thật sâu, đợi đến khi bạn bình tĩnh hơn và làm chủ được tình hình. Hãy học cách thấu hiểu, vì cũng như bạn, khi bọn trẻ nóng giận thì chúng không thể học được gì. Thay vì giảng giải, hãy đưa chúng đến một nơi yên tĩnh, giúp chúng tự kiểm điểm lại bản thân và những sai phạm. Đó không phải là một hình phạt mà là một cơ hội để bạn hiểu con hơn. Nếu trẻ vẫn tỏ ra sợ hãi và hoảng sợ, đừng cố giải thích về lỗi lầm của con, thay vào đó, bạn hãy tạo cho trẻ một cảm giác an toàn và được yêu thương. Cuối cùng, khi con cảm thấy bình tĩnh hơn, bạn có thể gần gũi con và nói cho con hiểu vấn đề. Và như đã nói ở trên, hãy nói cho con biết về những điều chúng sẽ phải làm ở hiện tại và tương lai, nhắc nhở chúng thực hiện những gì mình đã bàn giao trước đó, dạy con tính tự giác làm việc, dạy con điều nào xấu điều nào tốt.
Trở lại với người mẹ bạo hành, thiết nghĩ sự việc xảy ra một phần vì chị quá nóng và thiếu kiến thức về nuôi dạy con cái. Chỉ mong các cơ quan chức năng có thể can thiệp và cho người mẹ thêm kiến thức về pháp luật cũng như cách thực hiện các phương pháp kỷ kuật đúng đắn. Hãy để con là một thiên thần nhỏ sống và lớn lên trong tình yêu thương cha mẹ, hãy để cha mẹ là đôi cánh đưa con bay xa hơn, hãy để con lớn lên với tuổi thơ không có những vết hằn của roi vọt và những lời mắng nhiết nặng nề.
Lam Dung
Bình luận