• Zalo

Dạy con biết tự chủ

Tổng hợpThứ Ba, 29/11/2011 03:39:00 +07:00Google News

Các bậc cha mẹ có thể dạy cho con mình trở thành một người tự chủ và dạy cho chúng biết cách xử lý chứ không chỉ chịu đựng.

Khi trẻ cảm thấy chúng lọt thỏm giữa đám đông ở một quán hàng đông đúc, hay vào một bữa tối trong kì nghỉ cùng với đại gia đình thì chúng sẽ có cảm giác không ổn. Vì vậy, cha mẹ có thể dạy cho con mình trở thành một người tự chủ và dạy cho chúng biết cách xử lý chứ không chỉ chịu đựng trong những tình huống tương tự như trên đây.
Dạy con tự chủ là điều mà cha mẹ cần làm bởi vì đó là một trong những yếu tố tạo nên thành công cho trẻ sau này.
 

Giúp con học cách tự chủ
Nếu học được cách tự chủ, trẻ sẽ có thể đưa ra những quyết định phù hợp và xử lý được những tình huống áp lực theo cách mà sẽ mang lại kết quả tích cực.
Ví dụ như, nếu bạn nói rằng: “con chỉ được ăn kem sau khi ăn bữa tối thôi” thì một đứa trẻ không tự chủ sẽ khóc, thậm chí la hét với hy vọng rằng bạn sẽ thay đổi quyết định. Trái lại, một đứa trẻ biết tự chủ sẽ hiểu rằng nếu làm cha mẹ nổi giận, có thể nó sẽ không bao giờ được ăn kem nữa và nên chờ đợi một cách kiên nhẫn thì hơn.
Dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn dạy con biết kiểm soát hành vi của chúng:
Tuổi lên 2
Các bé sơ sinh và các bé đang chập chững biết đi thường cảm thấy chán khi thấy có một khoảng cách giữa việc mà chúng muốn làm và việc mà chúng có thể làm được. Chúng sẽ tỏ ra rất cáu giận. Cha mẹ có thể ngăn những cơn bùng nổ này bằng cách đánh lạc hướng bé, nói với bé về một đồ chơi khác hoặc một hoạt động khác. Đối với các bé tròn 2 tuổi thì bạn hãy thiết kế một chỗ - như là đặt một cái ghế ở trong bếp hoặc cạnh cầu thang để cho bé ra đấy ngồi “tự vấn” mỗi khi nổi cáu để bé hiểu được hậu quả của việc nổi cáu là thế nào và cũng là để dạy bé rằng một chút thời gian ở một mình sẽ tốt hơn là giận dữ.
Tuổi từ 3 - 5
Bạn có thể tiếp tục thực hiện cách “để bé một mình và ngừng chơi một lúc” nhưng thay vì giới hạn một khoảng thời gian nhất định, bạn hãy kết thúc khoảng thời gian này khi bé đã bình tĩnh trở lại. Điều này giúp trẻ nâng cao cảm giác tự chủ. Và bạn cũng nên khen con mỗi khi con tự chủ được trong lúc chán hay ở vào tình huống khó khăn nhé.
Tuổi từ 6 - 9
Khi trẻ đến tuổi đi học thì chúng đã hiểu hơn hậu quả của những việc chúng làm và rằng chúng có thể lựa chọn thực hiện hành vi tốt hay không tốt. Điều này giúp chúng biết hình dung trước điểm dừng cho hành động của mình. Hãy khuyến khích trẻ cố gắng dành vài phút để giữ bình tĩnh trước những tình huống làm chúng khó chịu thay vì cáu giận.
Tuổi từ 10 -12
Trẻ càng lớn thì càng hiểu rõ cảm xúc của mình. Vì vậy, bạn hãy khuyến khích để con suy nghĩ và hiểu được lý điều gì có thể khiến chúng mất tự chủ và sau đó phân tích chúng. Hãy giải thích với con rằng có nhiều tình huống ban đầu tưởng chừng tệ nhưng hóa ra kết thúc cũng không đến nỗi nào. Hãy khuyên con giành thời gian để nghĩ trước khi xử lý tình huống.
Tuổi từ 13 đến 17
Ở tuổi này, trẻ đã có khả năng làm chủ phần lớn các hành vi của mình. Nhưng bạn cũng cần nhắc nhở con mình về hậu quả lâu dài của các hành động. Hãy khuyên con đôi lúc nên dừng lại để đánh giá về các tình huống trước khi xử lý và nhận định các vấn đề trước khi bị rơi vào tình trạng mất tự chủ, đóng sầm cửa và la hét trong phòng. Nếu cần thiết, hãy áp kỉ luật với con bằng cách lấy đi một số đặc quyền của chúng để nhắc chúng ghi nhớ rằng cần phải luôn tự chủ.
Khi con bạn trở nên khó bảo
Nếu bạn ở vào tình huống khó như vậy thì hãy kìm nén. Đừng nên la hét khi áp kỉ luật với con. Thay vào đó, hãy tỏ ra nghiêm khắc. Khi con bạn đang cảm thấy chán, bạn cần giữ bình tĩnh và giải thích với con rằng la hét, cáu giận, đóng cửa là những hành vi không thể chấp nhận được và sẽ gây hậu quả xấu – và sau đó nói rõ những hậu quả đó là gì.
Những hành động của bạn sẽ chỉ cho con thấy rằng giận dữ là vô ích. Chẳng hạn, nếu con bạn xị mặt ra ở cửa hàng tạp hóa sau khi bạn giải thích tại sao bạn sẽ không mua kẹo cho chúng thì cứ kệ chúng. Hãy để chúng hiểu rằng cáu giận là không thể chấp nhận và không có tác dụng.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nói với cô giáo của con về môi trường lớp học và những hành vi cư xử mà bạn trông đợi bé có được. Hãy hỏi cô giáo xem ở trường các bé có được dạy cách xử lý các vấn đề và cách hành xử hay không.
Nhưng bạn cũng cần làm gương cho trẻ về sự tự chủ. Nếu bạn rơi vào một tình huống khiến bạn cáu và con bạn đang có mặt ở đó thì hãy nói cho bé hiểu tại sao bạn lại khó chịu và sau đó bàn với bé để tìm giải pháp. Chẳng hạn như nếu bạn đang đi tìm chía khóa thì thay vì nổi cáu, hãy nói với con là chìa khóa bị mất và nhờ con cùng tìm. Nếu bạn vẫn không tìm thấy chìa khóa, hãy thử một số cách như nhớ lại xem lần cuối bạn cầm khóa là khi nào. Hãy cho con thấy rằng kiềm chế cảm xúc và kĩ năng giải quyết vấn đề chính là những điều cần thiết để xử lý các tình huống khó.
Nếu bạn vẫn cảm thấy khó khăn, hãy hỏi bác sĩ xem liệu các nhân viên tư vấn các vấn đề gia đình có thể giúp được không.

Theo Bethongminh
Bình luận
vtcnews.vn