Đối thoại với bé
Hãy trò chuyện thường xuyên cùng bé. Trong lúc nói, nhớ để cho bé thấy khuôn mặt và đôi môi của bạn. Nhìn vào mắt con và nói với bé bất cứ khi nào bạn thay tã, cho con uống sữa hay đưa bé đi dạo.
Hãy nói chuyện với con như thể cả hai là bạn, cho bé biết kế hoạch của bạn, chỉ cho bé thấy món hàng bạn thích trong trung tâm thương mai, hỏi bé những câu hỏi. Bé sẽ học được cách bạn biến tấu từ ngữ, giọng điệu và đáp lại theo cách của riêng bé.
Hát cho bé nghe
Trẻ nhỏ thích âm nhạc, và dù bạn chọn rock, rap hay dân ca thì bé vẫn hào hứng hưởng ứng. Hãy hát một bài hát mỗi khi bạn dỗ dành bé, dần dần bé sẽ cảm thấy bình yên mỗi khi bạn cất lời. Đặc biệt, khi bạn đang bận chân bận tay và không thể bế con ngay lập tức, cách hát để xoa dịu này rất hữu ích.
Đọc sách cho bé
Chọn những quyển sách hình có màu sắc rực rỡ và độ tương phản cao và đọc cho bé mỗi khi bạn có thể. Bé rất thích nghe giọng của bạn và nhìn vào những hình ảnh minh họa, đồng thời đưa tay ra chạm vào những hình mà bé thích.
Đọc tên các bộ phận trên cơ thể
Mỗi khi bạn chạm vào một bộ phận cơ thể của bé, hãy đọc tên của bộ phận đó. Nhớ dùng giọng điệu biểu cảm nhé.
Đọc tên đồ vật
Bạn có thể đọc tên tất cả mọi sự vật, sự việc xung quanh bé: cái bàn, cái giường, cái ghế, búp bê, xe, gương. Thêm vào đó cả tên những người thân xung quanh: mẹ, bố, cô, chú, anh, chị…
Dùng trí tưởng tượng
Hãy kể những câu chuyện cho bé nghe. Bạn có thể tự sáng tác ra những câu chuyện rất đơn giản, nhưng chỉ cần nghe giọng bạn là bé sẽ rất thích thú lắng nghe.
Dành cho bé những khoảng không tĩnh lặng
Đó là khi bạn tắt hết TV, loa đài và chỉ tập trung vào việc giao tiếp với con. Bé sẽ học được cách lắng nghe và biết cách tập trung vào điều bạn nói.
Khuyến khích bé nói
Ở lứa tuổi này, bé đã có thể nói được những âm thanh bập bẹ, và bạn cần khuyến khích con nói nhiều hơn. Khi bé bật ra một âm thanh nào đó, bạn hãy đáp lại đồng thời mỉm cười với bé. Đây là bước đầu tiên của quá trình giao tiếp.
Song song, bạn có thể chơi những trò chơi như “hú-hà” để bé cảm nhận được sự thay đổi giọng điệu và nét mặt. Những nhạc cụ như lục lạc hay chuông cũng rất hữu ích trong giai đoạn này. Hãy chơi những trò chơi có thể đoán trước để bé có thể dự đoán chuyện gì sắp xảy ra.
Khuyến khích bé yêu cầu thêm. Ví dụ, bạn lắc lục lạc và khi bé quan tâm, bạn hãy chờ để bé phát ra một âm thanh nào đó như “ư ư” để đòi bạn lắc thêm một lần nữa.
Là cha mẹ, việc chơi và nói chuyện cùng con sẽ tạo ra tác dụng rất lớn trong cả quá trình phát triển của bé. Bằng cách thử vài ý tưởng đơn giản, bạn có thể tạo ra sự đóng góp lớn lao vào sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ của con.
Nguồn: Marrybaby
Bình luận