• Zalo

Đầu tư vào Việt Nam thông qua 'thiên đường thuế', CGV có kinh doanh trái phép?

Kinh tếThứ Bảy, 25/11/2017 16:54:00 +07:00Google News

Chuỗi rạp CGV hiện đang chiếm quá nửa thị phần chiếu phim tại Việt Nam được đầu tư thông qua công ty Envoy Media Partners Limited, có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại quần đảo British Virgin Islands (Vương quốc Anh), một trong những nơi được gọi là “thiên đường thuế”.

Sau những tranh luận về số phận Hãng phim truyện Việt Nam, mới đây ngành điện ảnh trong nước lại tiếp tục "nóng" câu chuyện Hiệp hội Phát hành - Phổ biến phim có thông cáo về việc Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam có biểu hiện kinh doanh trái phép và chèn ép các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệp hội này cho rằng, theo quy định của Luật Điện ảnh và Cam kết WTO thì nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 51% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim. CGV Việt Nam là doanh nghiệp có 80% vốn đầu tư nước ngoài (đầu tư trong giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO), do vậy chỉ được phép kinh doanh trong một số lĩnh vực hạn chế đã đăng ký, trong đó không được phát hành phim Việt Nam.

Ngoài ra thông cáo chỉ ra CGV đang nắm giữ 40% rạp chiếu và hơn 60% thị phần phát hành phim điện ảnh tại Việt Nam.

Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam có 80% vốn đầu tư thuộc về Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) và được đầu tư vào Việt Nam thông qua Công ty Envoy Media Partners Limited.

Envoy Media Partners Limited được thành lập năm 2005, có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại quần đảo British Virgin Islands (Vương quốc Anh), một trong những nơi được gọi là “thiên đường thuế” của giới đầu tư quốc tế. Do đó, về pháp lý, nhà đầu tư của CGV được coi là có quốc tịch British Virgin Islands.

Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của CGV Việt Nam bao gồm: hoạt động chiếu phim (xây dựng và điều hành cụm rạp chiếu phim tại địa điểm được phép; khai thác mặt bằng trong khuôn viên cụm rạp của doanh nghiệp liên doanh để quảng cáo phục vụ cho hoạt động chiếu phim của doanh nghiệp,...); quảng cáo; sản xuất thực phẩm (các loại bánh ngọt, kem, cà phê); tư vấn quản lý rạp chiếu phim.

Một trong những hoạt động kinh doanh được cấp phép của CGV là phát hành phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình. Cụ thể là nhập khẩu trực tiếp phim ảnh để chiếu tại cụm rạp của doanh nghiệp liên doanh, những phim này phải được kiểm duyệt theo quy định của pháp luật trước khi chiếu tại Việt Nam. 

Sau khi chiếu tại cụm rạp của mình những phim nhập khẩu đã được kiểm duyệt, doanh nghiệp liên doanh được phép khai thác những phim này tại rạp của các đơn vị chiếu phim khác trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

cgv-vnf (1)

Một trong những hoạt động kinh doanh được cấp phép của CGV là phát hành phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình. 

Năm 2004, Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (mã chứng khoán: PNC) và Công ty Envoy Media Partners Limited (Envoy) hợp tác kinh doanh, thành lập Công ty TNHH Truyền thông Megastar (Megastar). Trong liên doanh này, PNC chiếm 20% và Envoy chiếm 80% vốn điều lệ.

Vào năm 2011, Tập đoàn CJ CGV (Hàn Quốc) đã mua lại 92% cổ phần của Công ty Envoy Media Partners đang sở hữu 80% phần vốn góp tại Megastar, từ đó Megastar mới có sự thay đổi tên gọi là Công ty CJ CGV.

Trước đó, vào năm 2006, Megastar tăng vốn điều lệ từ 4 triệu lên 8 triệu USD. Do giá trị thị trường của Công ty Megastar rất lớn nên Envoy muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 80%, và đề nghị PNC chuyển nhượng quyền góp vốn. Việc này trái với nội dung của giấy phép đầu tư đã được cấp và không được Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho phép

Nhưng với quyết tâm thực hiện, PNC đã “lách luật” bằng cách ký hợp đồng vay. Theo đó, PNC vay của Envoy 400.000 USD. Hơn 10 ngày sau, Envoy có văn bản xác nhận xóa nợ cho PNC nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép Envoy nâng tỉ lệ sở hữu tại Megastar từ 80 lên 90% vốn điều lệ. Ngay sau đó, PNC và Envoy ký hợp đồng chuyển nhượng quyền góp vốn.

Đến nay, việc chuyển nhượng trái quy định này vẫn chưa thực hiện được và lãnh đạo PNC đã thừa nhận, sở dĩ chưa thực hiện được là do vướng các quy định.

Báo cáo tài chính hợp nhất vào ngày 31/12/2014 của PNC thể hiện việc PNC chuyển nhượng 10% quyền góp vốn vào CJ CGV cho Công ty Envoy Media Partners Limited với số tiền 400.000 USD (tương đương 8.332.000.000 đồng) là khoản phải thu dài hạn. Tuy nhiên, cũng tại bản báo cáo tài chính này đã thể hiện khoản tiền đó chính là khoản vay mà PNC cần phải trả.

Tính tới cuối năm 2016, CGV Việt Nam có vốn điều lệ 8 triệu USD, tương đương khoảng 180 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của các bên vẫn giữ nguyên.

Như vậy, trên giấy tờ, sổ sách hiện nay tại liên doanh CJ CGV Việt Nam, PNC vẫn sở hữu 20%. Nhưng thực chất, PNC đã mất kiểm soát số cổ phần này tại CJ CGV sau khi đã “bán” toàn bộ số vốn góp, trong đó có phần vốn nhà nước tại liên doanh này?

Sau khi về tay CJ Hàn Quốc và đổi tên thành CGV, chuỗi rạp chiếu phim này ghi nhận mức tăng trưởng đột biến trong 2 năm 2012 và 2013. Năm 2012 doanh thu của đơn vị này tăng lên gần 870 tỷ và đạt mức 1.102 tỷ đồng vào năm 2013. Mức lợi nhuận 2 năm này duy trì khoảng gần 120 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với trước đó.

Mặc dù vậy, những năm tiếp sau, lợi nhuận của CGV Việt Nam đột nhiên giảm mạnh, dù doanh thu vẫn duy trì và tăng trưởng đều. Năm 2014, CGV Việt Nam đạt gần 1.100 tỷ đồng doanh thu, mức tương đồng với năm 2013 nhưng lợi nhuận giảm hơn 40% còn gần 70 tỷ đồng. Đến năm 2015, số thu tăng hơn 60%, lên 1.764 tỷ nhưng lợi nhuận tiếp tục sụt giảm tới 55% còn 31,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân được đưa ra là do biến động tỷ giá và việc tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới cụm rạp chiếu tại Việt Nam.

Đến năm 2016, kết quả kinh doanh của CGV Việt Nam đã có sự xoay chiều đáng kể. Cụ thể, CGV Việt Nam đạt hơn 1.823 tỷ đồng tổng doanh thu trong năm 2016, tăng 3,3% so với kết quả đạt được năm 2015 và tương đương doanh thu thu về gần 5 tỷ đồng mỗi ngày.

Lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 đạt 93,36 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2015, đồng thời kết thúc chuỗi thời gian sụt giảm lợi nhuận liên tục kể từ khi chia tay thương hiệu Megastar.

Video: CGV lại bị tố chèn ép phim Việt

Tính đến hết năm 2016, đơn vị này đã nâng tổng số cụm rạp tại Việt Nam lên 38, với 247 phòng chiếu, tăng lần lượt 8 cụm rạp và 51 phòng chiếu so với cuối năm 2015. Thương hiệu cũng chiếm quá nửa thị phần chiếu phim tại Việt Nam.

Giữa năm 2016, cũng chính bởi việc chi phối và độc quyền nhiều phim "bom tấn", 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước đã cùng gửi đơn khiếu nại đến Hội điện ảnh, khẳng định đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỉ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.

Cụ thể, phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỉ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Trong khi đó, phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỉ lệ vẫn là 45/55 (chủ phim chỉ hưởng 45%).

Các đơn vị cho rằng tỉ lệ này chưa từng có trên thế giới, hệ thống rạp phim nhận lợi lớn trong khi nhà sản xuất, phát hành bỏ nhiều chi phí để sản xuất, quảng bá lại nhận phần trăm thấp hơn.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong những thị trường phim chiếu rạp 'nóng' nhất thế giới với mức tăng trưởng ấn tượng. Nếu như năm 2006, với sự xuất hiện của cụm rạp MegaStar đầu tiên (nay là CGV) tại Hà Nội với 8 phòng chiếu, thì tới hết năm 2016, theo số liệu của Cục Điện ảnh, cả nước có 138 rạp, cụm rạp với số lượng phòng chiếu trên cả nước là 510 và 86.500 ghế ngồi. 

(Nguồn: vietnamfinance.vn)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn