(VTC News) – Với một doanh nghiệp lớn, đạt được tỷ suất lợi nhuận 30%/năm đã là một thành công lớn nhưng có nhà đầu tư lãi gần 200% chỉ trong 6 tháng.
Với một doanh nghiệp lớn, đạt được tỷ suất lợi nhuận 30%/năm đã là một thành công lớn nhưng có nhà đầu tư lãi gần 200% chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014. Đó là những nhà đầu tư chứng khoán “lướt sóng” cổ phiếu MHC.
Trong 6 tháng qua, cổ phiếu MHC của Công ty Cổ phần Hàng hải Hà Nội giữ vị trí quán quân về tốc độ tăng trưởng trên sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM. Cụ thể, tính từ thời điểm cuối năm 2013 tới 30/6/2014, MHC tăng 7.600 đồng/CP, tương ứng 190% lên 11.400 đồng/CP.
Điều đó có nghĩa cứ bỏ ra 1 đồng, sau 6 tháng, nhà đầu tư thu về 1,9 đồng. MHC có tốc độ tăng mạnh gấp 13 lần toàn thị trường. Đây là tỷ suất lợi nhuận cực lớn không phải nhiều kênh đầu tư có được.
Điều đáng nói, MHC không phải cổ phiếu tốt. Hiện MHC vẫn trong tình trạng bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế kiểm toán 2 năm liên tiếp 2009, 2010 bị âm. Tới năm 2013, tình hình được cải thiện hơn khi MHC lãi 15,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lãi khiêm tốn này không đủ bù đắp cho những khoản thua lỗ trước đó.
Nhiều cổ phiếu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. |
Hơn nữa, số lượng nhà đầu tư thực sự được hưởng lợi từ đà tăng này khá khiêm tốn khi khối lượng giao dịch mỗi phiên của MHN rất thấp. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên cuối tháng 6 chỉ đạt 184.864 đơn vị. Cá biệt có những phiên, chỉ có 30 cổ phiếu được trao tay.
TSC của Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ lại cũng có đà tăng rất mạnh. Sau 6 tháng giao dịch, TSC tăng 16.600 đồng/CP, tương ứng 184% lên 25.600 đồng/CP. Mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhưng TSC cũng không khiến nhiều nhà đầu tư vui khi thanh khoản tương đối thấp. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên cuối tháng 6 chỉ đạt 146.287 đơn vị.
Giống MHC, TSC cũng không phải cổ phiếu tốt vì “dính chàm”. TSC bị cảnh báo từ 28/2/2013 do lợi nhuận sau thuế năm 2012 âm. Năm 2013, TSC đạt lợi nhuận dương nhưng khoản lãi hơn 3 tỷ đồng chưa đủ bù cho khoản lỗ hơn 55 tỷ đồng của năm 2012.
Sàn Hà Nội là nơi tập trung của nhiều công ty bất động sản có quy mô trung bình và nhỏ. Trong đó, Công ty Cổ phần Sông Đà 9.09 được nhiều nhà đầu tư quan tâm nên cổ phiếu S99 của công ty này thường xuyên nằm trong danh mục của không ít nhà đầu tư.
Chính vì vậy, S99 thường có tốc độ tăng mạnh hơn tốc độ tăng trưởng chung của sàn Hà Nội. Trong 6 tháng đầu năm nay, S99 đã tăng 9.100 đồng/CP, tương ứng 154% lên 15.000 đồng/CP. Như vậy, khi đầu tư vào S99, 1 đồng vốn của nhà đầu tư đã “đẻ” ra 1,5 đồng lãi.
Năm 2013, ngành vật liệu xây dựng khởi sắc đôi chút nhưng chưa có nhiều đột phá. Điều đó được thể hiện qua kết quả kinh doanh của các công ty trong ngành. Công ty Cổ phần Xi Măng Hà Tiên 1 (HT1) thậm chí thua lỗ tới 72,6 tỷ đồng trong quý 3/2013. Tới quý 4/2014, HT1 đạt mức lợi nhuận rất thấp, chỉ gần 2 tỷ đồng.
Nhưng các con số trong báo cáo tài chính đôi khi không có nhiều ý nghĩa với nhà đầu tư. Dòng vốn không nhỏ vẫn đổ vào cổ phiếu này khiến HT1 tăng 8.800 đồng/CP, tương ứng 176% lên 13.800 đồng/CP trong 6 tháng đầu năm.
Có vốn hóa thị trường rất thấp, hơn 22 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xây dựng điện VNECO 2 (VE2) thường công bố các chỉ số kinh doanh không mấy “đẹp”. Lợi nhuận sau thuế các năm 2012, 2013 lần lượt chỉ là 341 triệu đồng và 3,5 tỷ đồng.
Các chỉ số kém hoành tráng này không ngăn được việc VE2 trở thành cổ phiếu “hot”. Có những giai đoạn, VE2 tăng trần không biết ngừng nghỉ. 6 tháng đầu năm nay, đà tăng mạnh trở lại. VE2 tăng 5.900 đồng/CP, tương ứng 134% lên 10.300 đồng/CP.
Thế nhưng, thậm chí còn kém MHC, thanh khoản của VE2 vô cùng thấp. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên cuối tháng 6 của VE2 chỉ đạt 5.710 đơn vị. Có phiên, VE2 chịu cảnh đứng giá vì không có bất cứ cổ phiếu nào được giao dịch.
Điều đó cho thấy dù có khả năng sinh lợi cao nhưng rõ ràng VE2 vẫn chứa đựng rủi ro thanh khoản. Bên cạnh đó, việc có khối lượng giao dịch thấp, VE2 không khó để “làm giá”. Và nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn là những người chịu thiệt hại nhiều nhất.
VNG của Công ty Cổ phần Du lịch Golf Việt Nam cũng nằm trong danh sách các cổ phiếu tăng mạnh nhất 6 tháng đầu năm nay, VNG tăng 6.000 đồng/CP, tương ứng 125% lên 10.800 đồng/CP. Đầu năm nay, VNG có những chuỗi ngày tăng trần liên tiếp.
Có thể thấy, đa số các cổ phiếu nằm trong danh sách các cổ phiếu tăng nhiều nhất 6 tháng đầu năm đều có thời điểm rơi xuống dưới mệnh giá. Các mã này còn có đặc điểm chung là khối lượng giao dịch rất thấp, nhiều phiên đạt dưới 100 đơn vị.
Chính vì vậy, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro khi bỏ vốn vào những cổ phiếu “nóng” như thế này.
Thanh Hà
Bình luận