Hà Nội đã đầu tư rất nhiều kinh phí cho phát triển hạ tầng, đặc biệt là các công trình cầu, đường nhưng vẫn phải thừa nhận việc đi lại ở Hà Nội là lộn xộn nhất.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu như trên tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình của Thành ủy Hà Nội về “đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị giai đoạn 2011-2015” sáng 30/1.
Một thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chạy xe không biển số, vượt đèn đỏ trước mặt công an trên một con phố Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng |
“Ngay việc di dời các trụ sở bộ ngành, cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành TP xác định phải dành đất đó xây dựng hạ tầng xã hội như trường học, các công trình công cộng. Vì vậy vấn đề hạ tầng xã hội ở Hà Nội đã dần được cải thiện, chỉ có vấn đề giao thông, chuyện đi lại là không cải thiện” - ông Thảo nói.
Việc đặt dải phân cách “cưỡng bức” người điều khiển phương tiện phải đi đúng làn đường cũng chỉ mang giải pháp tình thế khi ý thức người tham gia giao thông không tự giác chấp hành.
“Người điều khiển phương tiện giao thông ở Hà Nội đi lại rất khác các nơi khác. Nói đúng là đi lại chẳng ai nhường ai, chẳng ra làn ra luồng gì, thích đi thế nào là đi, vì vậy mới có giải pháp cơ học, thô sơ là đặt dải phân cách phân chia làn, luồng đường” - ông Thảo nói.
Ở cấp độ quản lý và ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện còn nhiều việc phải làm. “Cái chính là vừa triển khai các giải pháp vừa phải lắng nghe.
Như việc đặt dải phân cách “cưỡng bức” đi đúng làn đường lúc đầu có người nói mất mỹ quan, có người gọi là con quái vật giữa đường. Đến lúc ý thức tham gia trên tuyến giao thông đó khá hơn và cơ quan chức năng dỡ đi thì lại nói là lãng phí tiền tỉ.
Còn ở cương vị chủ tịch TP, tôi vẫn thừa nhận không có đâu đi lại lộn xộn như ở Hà Nội. Vì vậy, tôi yêu cầu từng đơn vị trong quản lý phải xem lại công tác quản lý, trong đề xuất các giải pháp để cải thiện hình ảnh giao thông thủ đô, xem lại ý thức chấp hành và cần có giải pháp chế tài mạnh về ý thức chấp hành” - ông Thảo
Theo TTO
Bình luận