Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình được giao làm chủ đầu tư. Công ty TNHH MTV kỹ thuật tài nguyên và môi trường (trụ sở tại Nghệ An) thực hiện tư vấn lập báo cáo ĐTM.
ĐTM nêu rõ, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Bình có tổng chiều khoảng 25,3 km, đi qua địa phận huyện Yên Mô và huyện Yên Khánh (Ninh Bình).
Điểm đầu tuyến tại nút giao Mai Sơn thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình giao với đường cao tốc Bắc - Nam; điểm cuối nằm tại đầu cầu vượt sông Đáy thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Về quy mô xây dựng dự án, xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120 km/h, có bề rộng nền đường 24,75 m và các công tình phụ trợ trên tuyến.
Bên cạnh đó, tuyến có 12 cầu (9 cầu trên tuyến chính và 3 cầu vượt nganh); bố trí khoảng 19,73 km đường gom; 1 trạm dừng nghỉ; 19 cầu hầm chui dân sinh; hệ thống thoát nước ngang, hệ thống thoát nước dọc và lắp đặt hệ thống an toàn giao thông trên toàn tuyến chính và tuyến nối.
Tổng mức đầu tư của dự án này là 6.971 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh là 2.000 tỉ đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và một số chi phí có liên quan khác; ngân sách Trung ương 4.971 tỷ đồng.
Về tiến độ, theo ĐTM, dự án dự kiến khởi công vào quý I/2025, hoàn thành vào quý IV/2027, đưa vào vận hành năm 2028. Thời gian thi công là 4 năm, được phân thành các gói thầu khác nhau.
Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) có điểm đầu kết nối với đường cao tốc Bắc Nam phía Đông tại TP Ninh Bình, điểm cuối kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Được quy hoạch với 4 làn xe, hiện nay 29km trên địa bàn Hải Phòng và Thái Bình đang được đầu tư xây dựng.
Sở Giao thông vận tải Ninh Bình khẳng định, việc đầu tư hoàn thành dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình là cần thiết.
Theo đó, tuyến đường hình thành sẽ kết nối với các tuyến cao tốc như cao tốc Bắc Nam, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến quốc lộ (quốc lộ 10, quốc lộ 1, quốc lộ 21, quốc lộ 37 mới), các trục phát triển kinh tế (đường trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần, tuyến đường Thái Bình - Cồn Vành).
Đồng thời, tuyến đường cao tốc qua Ninh Bình sẽ giúp kết nối với cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), các cảng biển, cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
"Với tính chất, vai trò là đường liên vùng, việc đầu tư, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ trong khu vực, giữa các địa phương duyên hải Bắc Bộ. Góp phần mở rộng không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nói riêng và cả nước nói chung", theo Sở Giao thông vận tải Ninh Bình.
Bình luận