• Zalo

Đầu năm trò chuyện cùng người Việt từng thách đấu Lý Tiểu Long

Thời sựThứ Tư, 05/02/2014 11:28:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nghệ sĩ Lý Huỳnh, tuổi Giáp Ngọ, tức đã bước sang 72 tuổi, một người vang danh trong giới võ thuật, nổi tiếng trong làng điện ảnh. Năm Giáp Ngọ là năm tuổi của ông, năm nay ông 72 tuổi, một người vang danh trong giới võ thuật, và đặc biệt nổi tiếng trong làng điện ảnh nước nhà. Nói đến ai cũng biết, đó là võ sư, Nghệ sĩ nhân dân Lý Huỳnh.

Đầu năm mới, chúng tôi có mặt tại nhà võ sư - NSND Lý Huỳnh nằm trên đường 3/2 (quận 11, TPHCM). Ngày Tết, nhà ông trang trí nhiều cảnh vật hơn, với các gam màu sáng tối đan xen, hoa mai, hoa lan được trưng chiếm phần lớn; bốn bức tường treo chật kín bằng khen, huy chương của sự nghiệp điện ảnh, hình ông cùng vợ và các con là diễn viên Lý Hùng, Lý Hương cũng như các diễn viên nổi tiếng khác của Việt Nam và nước ngoài. Đặc biệt, hình các nguyên thủ quốc gia được treo trang trọng trên hàng đầu.

Gặp lại nghệ sĩ Lý Huỳnh, cảm nhận sức khỏe ông có phần giảm sút so với những năm trước nhưng trí nhớ ông vẫn còn tốt, đặc biệt giọng nói, nụ cười vẫn hào sảng, ồm ồm như thời trai tráng. Như thành thói quen, năm nào cũng vậy, từ mùng 2 Tết, ông thường ngồi trên chiếc ghế trước nhà chờ đợi con cháu, bạn bè, người thân đến chúc Tết. 

Điểm nhấn đầu tiên khắc họa chân dung nghệ sĩ Lý Huỳnh là "hàm râu kẽm" từng in đậm phong cách của ông trên màn ảnh, nhưng đến năm mới đã được cạo sạch. Ông cười xởi lởi, "thì lâu lâu cũng phải đổi mới phong cách chứ". 

Đích thân ông rót nước, mở hộp bánh mứt mời chúng tôi. Và rồi câu chuyện bắt đầu.

Với những đóng góp xứng đáng, võ sư Lý Huỳnh nhận được danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2012 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng

- Thưa ông, được biết năm nay là năm tuổi của ông?

Cuộc đời của tôi đã trải qua 72 cái xuân xanh rồi (cười), tính đến nay tôi cũng đã mãn nguyện rồi, không cò gì phải hối tiếc. Năm nay Giáp Ngọ là năm mã đáo thành công. 
Tôi vui vì những đóng góp nhỏ nhoi của mình cho ngành điện ảnh được khán giả, Nhà nước ghi nhận. Khi nhận được danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, đó là niềm hạnh phúc lớn, vô giá đối với tôi. 
Mặc dù những bộ phim tôi đóng đã lâu nhưng đến nay khi gặp lại nhiều người vẫn gọi tôi với cái tên thân mật gắn liền với từng vai diễn trong từng bộ phim như Vùng gió xoáy với ông Hai Lúa gan dạ, ngang tàng; Phim Mùa gió chướng, vai đại úy Long ác ôn chôn sống ông Tám; Phim Hòn đất, vai trung úy Sâm tàn bạo chặt đầu chị Sứ; ông Hai cũ, Ngọn cỏ gió đường, Người không mang họ...

- Năm mới nhắc lại chuyện cũ, bộ phim Tây Sơn Hào Kiệt đạt được nhiều thành tích nhưng lại lỗ hàng tỷ đồng, ông có thể nói rõ hơn?

Đúng rồi. Phim Tây Sơn Hào Kiệt khi công chiếu được khán giả hoan nghênh, được Nhà nước tặng bằng khen, giải Cánh diều vàng, Kỷ lục quốc gia. Về nguyên nhân thua lỗ, có thể nói đến lượng rạp chiếu phim bị đập phá bỏ nhiều, ngưng hoạt động không có chỗ chiếu, với lại làm phim lịch sử tốn kém nhiều kinh phí như phục trang, con người, địa điểm...  Phim chỉ thu về được phân nửa, đầu tư 12 tỷ đồng, thu về 6 tỷ đồng.

- Điều gì khiến ông chọn bộ phim lịch sử nói về anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ?

Tôi rất sung sướng, vui mừng khi được tái hiện hình ảnh hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ uy nghi, lừng lẫy, nhưng cũng rất nông dân. Bởi đây là vị anh hùng tài ba lỗi lạc về quân sự, với hàng loạt trận đánh bách chiến bách thắng, cách trọng dụng nhân tài, đối nhân xử thế... Tôi đọc kịch bản thấy hay và ý nghĩa nên quyết định đầu tư.
Tôi làm tổng đạo diễn, Lý Hùng đạo diễn phần diễn xuất, Phượng Hoàng đạo diễn phần phục trang lịch sử. Hơn nữa, chúng tôi được Hội điện ảnh khuyến khích, gia đình động viên đầu tư để làm bộ phim nhân dịp Ngàn năm Thăng Long Hà Nội, Đại hội Đảng toàn quốc... Phim Tây Sơn Hào Kiệt là phim thứ 5 nói về lịch sử Việt Nam. 

Phim Tây Sơn Hào Kiệt nói về vị hoàng đế áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược vào năm 1789 (năm Kỷ Dậu)

- Dự kiến phim năm Giáp Ngọ là gì, thưa ông?
Sau Tây Sơn Hào Kiệt sẽ là phim nói về nữ tướng Bùi Thị Xuân. Hiện trong tay tôi đã có kịch bản phim lịch sử nói về nữ tướng Đô đốc Bùi Thị Xuân, đang đợi sự xét duyệt của Cục Điện ảnh, khi có tài trợ một phần thì lúc đó tôi mới thực hiện. Dự kiến kinh phí khoảng 12 tỉ đồng. Phim Đô đốc Bùi Thị Xuân nói về cuộc đời, sự nghiệp nữ tướng Bùi Thị Xuân, bối cảnh quay chính vẫn là Bình Định và Tây Nguyên, phim hợp tác với Hồng Kông. 

Tôi rất yêu mến đề tài lịch sử, muốn nhắc cho bọn trẻ nhớ về những vị anh hùng dân tộc, công ơn những tiền nhân đi trước, chẳng hạn như Quang Trung – Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Lê Lợi… Đề tài lịch sử Việt Nam hay nhưng số phim làm ra quá ít. Có lẽ do khó làm, tốn nhiều kinh phí.

Ông không sản xuất phim hành động xã hội?


Cái này trước đó cũng đã thực hiện nhiều rồi, hiện nay vẫn đang đợi kịch bản thích hợp để làm, có thể phối hợp với Hồng Kông, Đài Loan... làm những phim này kinh phí ít dễ thu lợi nhuận hơn phim lịch sử, cổ trang.
Theo ông ngành điện ảnh Việt Nam hiện nay thế nào?

Trong thời buổi khó khăn chung, nền điện ảnh Việt Nam hiện tại tuy có nhiều lợi thế nhưng cũng còn những bất cập cần phải tìm ra lời giải đáp. Chỉ riêng nói về rạp chiếu phim thì hiện nay đa phần bị phá bỏ, phần nhiều hoạt động cầm chừng như Quốc Thái (quận 11), Đại Quang (quận 5), Toàn Thắng (quận 5), Thăng Long (quận 3), nếu có phim sản xuất ra cũng không có đủ rạp để chiếu, thị hiếu khán giả mỗi thời mỗi khác.... Nhớ lại cái thời khán giả xếp hàng, rạp đông nghẹt khách, thời này những hình ảnh như vậy khó kiếm quá.

Tôi cũng mong muốn được Nhà nước, Cục - Hội điện ảnh, doanh nghiệp... quan tâm, tài trợ kinh phí cho những phim nói về lịch sử, về những vị anh hùng dân tộc để hãng phim còn có thể phát triển, sản xuất tiếp những phim về đề tài này.

Võ sư Lý Huỳnh trò chuyện cùng phóng viên VTC News

- Nhắc lại thời ông thách đấu Lý Tiểu Long, có người cho rằng ông muốn nổi tiếng?

Lúc đó, tôi đang đóng phim do võ sư Hồng Kông Hàn Anh Kiệt làm đạo diễn – người đóng vai đối đầu với Lý Tiểu Long trong phim Đường Sơn Đại Huynh. Ông này đạo diễn kiêm chỉ đạo võ thuật. Ông yêu cầu tôi biểu diễn thế đá Liên hoàn bát cước, trong phim đá một cước hạ đo ván 8 người. Tôi thực hiện được lời ông Kiệt thì ông Kiệt mới đến bắt tay tôi, vỗ vai và khen nói "Lý Huỳnh đá rất đẹp, rất hay", lại biết tôi đã từng thượng đài nhiều lần nên ông ta hỏi tôi có dám đấu với Lý Tiểu Long không?

Lúc đó tôi nghĩ, mình là một võ sĩ chuyên nghiệp, lên võ đài nhiều lần, từng bách chiến bách thắng, cộng với tự ái dân tộc nổi lên, tôi trả lời không chút do dự, sẵn sàng thách đấu với Lý Tiểu Long.

Thời đó, tôi 28 tuổi, cái độ tuổi đang sung sức, đã từng thượng đài nhiều lần, đến nỗi không còn biết sợ là gì.
Tôi từng là võ sĩ trước khi làm diễn viên, còn Lý Tiểu Long đóng phim rồi sau đó mới hành nghề võ. Lý Tiểu Long hơn tôi vài tuổi, có thể nói là cùng lứa, cùng chạng nhau. Nếu Lý Tiểu Long có bước chân nhún nhảy theo đấu pháp quyền Anh, bộ  tay Vịnh Xuân và đòn cước karate, thì ngược lại tôi có đòn tay quyền Anh, đòn đá taekwondo, chỏ gối của võ tự do và bộ pháp di chuyển theo Thiếu Lâm nam phái. 

Thời gian này có báo chí Sài Gòn nghe thông tin nói trên nên cũng đã đăng tải, cả Hồng Kông cũng đăng tin đó, nhưng bất ngờ Lý Tiểu Long đột ngột qua đời năm 1973, lời thách đấu không thực hiện được.

Tại sao ông không tiếp tục con đường làm nghề bảo vệ yếu nhân với những kiến thức, nghiệp vụ mình học được?

Tôi học chính quy khóa bảo vệ yếu nhân của Hoa Kỳ trong thời gian 6 tháng, lấy bằng Master về bắn súng.

Đã qua rồi một thời bom đạn, tôi bỏ nghề bảo vệ yếu nhân. Sau giải phóng, tôi dạy võ và đặc biệt rất mê điện ảnh, tôi mê đóng phim hơn bất cứ ngành nghề nào khác nên đã chọn nghệ thuật thứ bảy làm hướng đi chính. Đó là nghề và cũng là nghiệp của cuộc đời tôi sau này. Đất nước hòa bình rồi thì mình làm nghệ thuật. Đúng 8 tháng sau giải phóng thì tôi đóng bộ phim đầu tiên là Cô Nhíp.

Những kiến thức, kinh nghiệm mà tôi học được tại Mỹ trong thời gian làm cận vệ, cũng được tôi áp dụng vào những bộ phim hành động với những màn đấu võ, bắn súng, phóng dao,... nên bộ phim khi công chiếu người xem cứ nghĩ rằng những hình ảnh đó là thật chứ không giả tạo.

Võ sư, NSND Lý Huỳnh nâng ly chúc mừng năm mới Giáp Ngọ 2014 cùng bạn bè và người thân

Lý Huỳnh (sinh năm 1942 tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) có tên thật là Lý Kim Tuyền là một võ sư Việt Nam từng được xếp vào nhóm "tứ tú" của miền Nam Việt Nam giai đoạn trước 1975. Ông nổi tiếng với chiêu "Liên hoàn bát cước" (Tung người đá 8 cước trên không) và từng thách đấu công khai với huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long. Ông cũng đồng thời là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng tại Việt Nam, được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Ngoài việc học võ với cha (gốc người Hoa, Tiều Châu), Lý Huỳnh còn học võ Thiếu Lâm, võ Việt Nam và Quyền Anh với các võ sư Hai Yến, Huỳnh Đạt Dân, Huỳnh Tiền.

Từ năm 1957 đến 1964, Lý Huỳnh thượng đài 6 trận về Quyền Anh và thắng 3 trận, trong đó có trận đấm ngã đối thủ Lyauté Francoise, võ sĩ da đen vô địch quân đội Pháp và các trận thắng võ sĩ nổi tiếng Anh Thạch, Mạch Trung Phương vô địch 6 tỉnh miền Trung...

Năm 1965, ông bắt đầu mở trường dạy võ, và từ đây đã đào tạo nhiều võ sĩ giỏi với tên gọi bắt đầu bằng hai từ "Lý Huỳnh", như: Lý Huỳnh Cường, Lý Huỳnh Yến v.v.

Từ năm 1972 đến năm 1989, Lý Huỳnh tham gia đóng phim Việt Nam và trở thành người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh Việt Nam thành công. Các bộ phim có sự tham gia của Lý Huỳnh mở đầu với Long hổ sát đấu và sau đó là Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù, Hải vụ 709 v.v...

Sau này là các vai diễn để đời như ông Hai Cũ (phim Ông Hai Cũ), chuẩn tướng Bách (Đứa con bị từ chối), Long râu (Con mèo nhung), thiếu tá Y Vế (Ngọn lửa Krông Jung). 

Bốn vai diễn khác là đại tá Hoàng (Cô Nhíp), Đinh ba búa (Mối tình đầu), đại úy Long (Mùa gió chướng), trung úy Sâm (Hòn đất) giúp Lý Huỳnh đoạt giải Bông sen bạc tại các Liên hoan phim toàn quốc, đặc biệt với vai lão nông Hai Lúa (phim Vùng gió xoáy), Lý Huỳnh đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất với giải thưởng cao quý Bông sen vàng. 


Xin cảm ơn ông!
Bình luận
vtcnews.vn