Người xưa cho rằng, món đồ đầu tiên bạn mua trong những ngày đầu năm mới thường ảnh hưởng đến vận hạn cả năm, có thể mang đến rủi ro hoặc may mắn. Dưới đây là những điều mà dân gian thường làm trong dịp Tết Nguyên đán và đầu năm để lấy may, mời bạn tham khảo để hiểu thêm về văn hóa của người Việt.
Đầu năm nên mua gì?
Mua muối
"Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là phong tục tập quán của người Việt trong năm mới. Người xưa quan niệm muối là thứ xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn.
Đồng thời, vị của muối cũng tượng trưng cho sự đậm đà của tình cảm gia đình. Người xưa còn tin rằng, việc mua muối đầu năm sẽ giúp gia đình được hòa thuận êm ấm, các mối quan hệ xã hội cũng trở nên gắn bó vì nó làm mặn mà thêm tình cảm giữa các bên. Do đó, mua muối đầu năm là mua về sự hanh thông, nồng ấm.
Mua lửa
Theo phong thủy, lửa tượng trung cho sự ấm áp, hạnh phúc và tài lộc không bao giờ tắt, nên nhiều gia đình tin rằng nếu mua lửa vào đầu năm thì cả năm sẽ yên ấm an vui, thịnh vượng. Mua lửa ở đây chính là mua các vật dụng tạo ra lửa như bao diêm, bật lửa....
Vì vậy mà vào ngày mùng 1 Tết, khi bán cho bạn gói muối, người ta thường bán kèm cả bật lửa. Có ánh lửa ngày đầu năm, người ta tin gia đình mình sẽ có một năm suôn sẻ và thành công đấy.
"Mua" chữ
Vốn là đất nước hiếu học, việc mua giấy xin chữ ngày đầu năm cũng là truyền thống lâu đời của người Việt. Việc xin chữ - cho chữ là nét văn hóa tốt đẹp vừa thể hiện sự coi trọng tri thức vừa là sự cầu mong hoàn thành tâm nguyện bản thân.
Chữ được treo trong nhà ngày Tết thể hiện bản sắc gia đình và ước nguyện của gia chủ. Chữ xin được của các thầy đồ càng đẹp, càng có tiếng trong vùng thì lại càng quý. Người xin chữ cũng mong được phúc của người cho chữ, và mong tài lộc, phúc khí cho gia đình.
Mua đồ phong thủy
Các vật phẩm phong thủy cũng là thứ “cháy hàng” trong những ngày đầu xuân. Người ta tin rằng món đồ phong thủy hợp vía, hợp mệnh đặt trong nhà sẽ giúp gia chủ hóa giải hung khí, mang lại sinh khí để việc làm ăn hay sức khỏe ngày càng tốt đẹp.
Đồ phong thủy thường có giá khá cao, tuy nhiên nhiều gia đình không ngại bỏ ra hàng chục triệu đồng để “rước” về những món đồ mình muốn, mong rằng năm sau phát tài phát lộc.
Mua vàng vào ngày Vía thần Tài
Người xưa cho rằng, việc mua vàng đầu năm sẽ giúp chúng ta có một năm đủ đầy, giàu sang, đặc biệt là ngày vía thần tài mùng 10 tháng Giêng. Tuy nhiên, sự may mắn không nằm ở số lượng vàng chúng ta mua mà nằm ở lòng thành, cho nên chỉ cần mua số lượng ít cũng được.
Những kiêng kỵ đầu năm mới
Bên cạnh những việc nên làm, mọi người cũng hay tránh làm những điều kiêng kỵ dưới đây để có một năm mới hanh thông, tài lộc, may mắn.
- Quét nhà, đổ rác: Trong 3 ngày Tết, nhiều gia đình không đụng đến cây chổi, không quét nhà, lau chùi và đổ rác. Người xưa quan niệm đây là hành động tự đem tiền tài trong nhà đổ ra ngoài đường, vì thế mà năm mới sẽ thiếu thốn, chẳng thể làm ăn tấn tới. Chính vì vậy mà trước giao thừa, mọi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa, lau chùi vật dụng, đồ đạc tươm tấc, sạch sẽ để 3 ngày Tết không quét dọn gì thêm. Nhiều gia đình còn kỹ lưỡng đến nỗi mang chổi, giẻ lau nhà giấu kín, phòng trường hợp ai không biết mà dùng đến.
- Làm vỡ đồ đạc: Người Việt rất kiêng kỵ việc làm vỡ đồ đạc, nhất là gương, thủy tinh hay đồ sứ, nhất là ngày Tết vì cho rằng đó là điềm chẳng lành. Trong 3 ngày đầu năm, mọi người thường nhắc nhau cẩn thận, kỹ lưỡng khi sử dụng các món đồ dễ vỡ.
- Mở tủ: Giống với việc quét nhà hay đổ rác, hành động mở cửa tủ được xem là làm thoát vận may và tài lộc ra bên ngoài. Người xưa quan niệm rằng, tiền thường được cất kín trong các ngăn tủ, mà việc mở cửa tủ tương tự như đang chi tiền liên tục. Một số gia đình ở miền Trung vào trước giao thừa còn niêm phong tất cả các cánh cửa tủ để phòng trẻ em, khách đến chơi không biết mà mở ra. Một số gia đình còn tỉ mỉ lấy hết vật dụng cần thiết, quần áo trong 3 ngày Tết ra ngoài để không đụng đến tủ đồ.
- Khóc than, cãi vã: Người Việt Nam luôn cho rằng đầu xuôi đuôi lọt, mọi việc có khởi đầu tốt thì suốt hành trình mới khởi sắc, kết quả mới như ý nguyện của mỗi người. Cũng chính vì vậy mà trong 3 ngày Tết, mọi người luôn cười nói vui đùa, cởi mở trò chuyện, tránh khóc than, cãi vã.
- Hạn chế vào bệnh viện, nhà thuốc: Trừ trường hợp bất khả kháng, vào những ngày đầu năm, mọi người tránh lui tới các nơi khám chữa bệnh, bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc… vì sợ cả năm bị bệnh tật đeo bám. Tuy nhiên, bạn đừng vì thế mà né bác sĩ nếu cơ thể đang có vấn đề nhé.
- Cho lửa và nước: Trong ngôi nhà, lửa và nước được xem như vật giữ may mắn và tiền tài. Vì vậy mà hành động cho lửa và nước trong 3 ngày Tết được xem là tự mang tiền tài cho người khác, năm mới sẽ khó khăn và chật vật để kiếm lại.
- Vay tiền: Không riêng gì 3 ngày Tết đầu năm, việc mượn tiền của được nhiều người kiêng trong suốt cả tháng Giêng. Ngày đầu năm mà đã đi mượn tiền chứng tỏ cuộc sống không sung túc, dẫn đến cả năm cứ chật vật kiếm sống, làm ăn khó giàu có nổi.
- Cắt tóc: Theo người xưa, cắt bỏ một thứ gì đó khỏi cơ thể vào ngày mùng 1 chính là cắt đi sự may mắn. Không chỉ tóc, người ta còn hạn chế cắt móng tay vào ngày mùng 1 nữa.
Những kiêng kỵ trên đây chỉ là quan niệm dân gian, không có cơ sở khoa học, vì vậy bạn chỉ cần biết để có thêm kiến thức về văn hóa, phong tục chứ không cần câu nệ làm theo.
Bình luận