• Zalo

Đầu năm đến Đền Trạng đọc sấm ký

Thời sựThứ Tư, 13/02/2013 12:15:00 +07:00Google News

(VTC News)-Hàng nghìn người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên nườm nượp về chiêm bái Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

(VTC News) - Hàng nghìn người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên nườm nượp về chiêm bái Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày Tết Nguyên đán, hàng nghìn người dân và khách thập phương, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên lại lườm lượp về chiêm bái, thắp hương tưởng nhớ, tri ân công đức Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tại Khu di tích lịch sử văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thôn Trung Am, xã Lý Học (Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

Các bậc phụ huynh cũng đưa các cháu nhỏ đến đây để dâng hương tưởng nhớ và nhắc nhở, giáo dục con cháu noi theo tấm gương sáng về đức tính hiếu học, tính tự tôn dân tộc, lòng yêu nước thương dân của Cụ Trạng.
Tượng  đài Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cao 5,7 mét, nặng 8,5 tấn được làm bằng chất liệu đá Granitđặt trước quảng trường - Ảnh Minh Khang

Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương; nay là làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo – TP Hải Phòng. Thuở nhỏ, ông học rất giỏi nhưng xã hội lúc đó nhiều biến động nên mãi đến năm 44 tuổi ông mới quyết định ứng thí. Ông liên tiếp đỗ đầu các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình và giành được học vị Trạng Nguyên.

Sau khi thi đỗ, ông được vua Mạc bổ làm Hiệu thư ở Viện Hàn Lâm, rồi Đại học sĩ Tòa Đông Các, được phong Thái phó Thượng Thư Bộ Lại, Trình Quốc Công nên thường gọi là Trạng Trình.

Ông làm quan dưới Triều Mạc gần 8 năm. Sau khi Mạc Đăng Doanh mất, triều chính ngày một bất ổn. Ông dâng sớ xin chém 18 lộng thần nhưng vua Mạc Phúc Hải không chấp thuận, ông liền từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ.

Học trò của ông rất đông, có nhiều người nổi tiếng như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Nguyễn Quyện, Giáp Hải, Đinh Thời Trung… Chính vì vậy, người đời gọi ông là “Đại sư”, còn học trò thì tôn ông là Tuyết Giang Phu Tử.

Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sáng tác hàng nghìn bài thơ, cả chữ Hán và chữ Nôm, gồm 2 tập thơ nổi tiếng là Bạch Vân quốc ngữ thi và Bạch Vân Am thi tập. Người đời tương truyền ông có nhiều bài Sấm ký bao quát tầm nhìn thời thế ứng nghiệm và được suy tôn là “Nhà tiên tri” số một của nước ta.

Suốt cuộc đời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại chí hướng vào việc nghĩa, khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong sự sinh tồn của quốc gia, dân tộc. Tư tưởng lớn và căn bản của ông là luôn lấy dân làm gốc: “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản - Đắc quốc ưng tri tại đắc dân” - (Có nghĩa là: Xưa nay, nước lấy dân làm gốc, được nước nên biết là ở chỗ được lòng dân”.

Mặc dù sống cuộc đời điền viên, nhưng lòng ông vẫn đau đáu nỗi yêu nước, thương dân. Mùa đông năm Ất Dậu (ngày 28/11 năm 1585) niên hiệu Diên Thành thứ 9, ông mất, thọ 95 tuổi. Khi ông mất, ngoài việc cấp 3000 quan tiền để dựng đền thờ, nhà vua đã tự tay viết chữ vào biển treo trước đền thờ ông: “Mạc triều Trạng Nguyên Tể tướng từ” (Đền thờ quan Trạng Tể tướng triều Mạc).

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là người thầy đạo cao, đức lớn, được các tầng lớp nhân dân kính trọng. Ông là người có công lớn nhất của 4 đời vua nên vua Mạc Mậu Hợp đã phong chức tước cao nhất: Thái phó Trình Quốc Công.
Vườn tượng dưới chân núi 9 ngọn, phía sau tượng đài Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - Ảnh Minh Khang 

Quần thể Di tích lịch sử Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được quy hoạch trên một diện tích rộng 5,7 ha, gồm 9 hạng mục công trình: tháp Bút Kình Thiên; đền thờ dựng sau khi ông mất (1585) với ba gian tiền đường, hai gian hậu cung, phía trước có hai hồ nước tượng trưng cho trời và đất, bức hoành phi trong đền ghi 4 chữ “An Nam Lý Học”; nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; phần mộ cụ thân sinh ở phía sau đền; tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá cao 5,7m, nặng 8,5 tấn; hồ bán nguyệt rộng khoảng 1.000m²; chùa Song Mai; Nhà Tổ có tượng thờ bà Minh Nguyệt, vợ thứ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Quán Trung Tân, nơi lưu giữ quan niệm mới về chữ “Trung” hướng lòng theo “chí trung chí thiện”.

Năm 1991, di tích này đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia. Trước đó, từ ngày 8/01-10/01/2013, UBND huyện Vĩnh Bảo đã tổ chức lễ kỷ niệm 427 năm ngày mất danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, gồm các hoạt động tôn nghiêm như: Lễ mộc dục, Lễ rước văn, cáo yết, dâng hương…

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo sự tham gia của du khách và nhân dân như: Hội chợ sinh vật cảnh; vật truyền thống, thi đấu bóng chuyền, kéo co, cờ tướng, cờ người, hội thi “chọn người hiền tài”, múa rối cạn, rối nước, pháo đất…

Một số hạng mục công trình cũng đã được đầu tư chỉnh trang, tu bổ như đền Song Thân; phục chế một số đồ thờ tự trong đền gồm: Long ngai, bài vị, đại tự, di chuyển cụm tượng quan Trạng, phun cát san nền, hoàn thiện các văn tự tại đền Chính, đền Song Thân, Am Bạch Vân...
Am Bạch Vân - Nơi Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mở lớp dạy học - Ảnh Minh Khang 

Việc buôn bán trong khu di tích cũng được quản lý chặt chẽ hơn, cấm bày bán sách mê tín dị đoan, tranh ảnh không phù hợp thuần phong mỹ tục; chỉ đạo lực lượng công an dẹp bỏ nạn ăn xin, chèo kéo khách tại khu di tích, cấm hoạt động cờ bạc dưới mọi hình thức...

Phóng viên VTC News ghi lại được một số hình ảnh sinh động của ngày đầu Xuân mới, xin gửi tới Quý độc giả.


Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn