Chỉ số R là một công cụ quan trọng mà các nhà dịch tễ học và các nhà hoạch định chính sách sử dụng để xác định mức độ lây lan của COVID-19.
Chỉ số R trung bình của Ấn Độ hiện tại là 1,01, có nghĩa là một người nhiễm bệnh đang lây truyền virus cho nhiều người khác.
Khi Ấn Độ chìm trong đỉnh dịch của làn sóng thứ 2 vào tháng 5, chỉ số này là 1,4. Tới tháng 7 khi dịch hạ nhiệt, chỉ số này giảm còn 0,9.
Việc chỉ số R gia tăng khiến các chuyên gia y tế lo ngại đây có thể là dấu hiệu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm ngày càng tăng.
Bang miền trung Madhya Pradesh có hệ số R cao nhất là 1,31, tiếp theo là Himachal Pradesh (1,3) và bang đông bắc Nagaland (1,09).
Khi hệ số R đạt 1,3 đồng nghĩa 10 người nhiễm nCoV sẽ lây nhiễm cho 13 người khác.
"Hệ số R tăng có thể là tín hiệu cảnh báo sớm về sự bắt đầu của làn sóng dịch thứ 3", Tiến sĩ Samiran Panda, trưởng nhóm dịch tễ học tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) ở New Delhi cho hay.
Ấn Độ tới nay ghi nhận 32 triệu ca COVID-19 và 429.000 người chết.
Các chuyên gia cho rằng số ca nhiễm gia tăng do các hạn chế di chuyển bị dỡ bỏ, người dân không đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách xã hội và sự lây lan chóng mặt của biến thể Delta.
Nghiên cứu được công bố tháng trước cho thấy khoảng 2/3 người dân nước này có kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Con số này có nghĩa hơn 400 triệu người Ấn Độ vẫn nằm trong nhóm dễ có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Các quan chức Ấn Độ cho biết họ không thể tuyên bố đợt dịch thứ 3 cho tới khi số ca nhiễm tăng lên rõ rệt.
Trong cuộc trao đổi với NDTV, nhà khoa học trưởng của WHO, Soumya Swaminathan cho rằng đợt dịch thứ 3 ở Ấn Độ sẽ "có thể không tàn khốc như đợt thứ 2" vì nhiều người đã được tiêm chủng và các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được nâng cấp.
Tuy nhiên bà Swaminathan cảnh báo không nên tự mãn vì làn sóng ở một thị trấn nhỏ hoặc một vùng nông thôn cũng có thể gây ra vấn đề lớn vì các khu vực này thiếu hụt cơ sở hạ tầng y tế.
Bình luận