• Zalo

Dấu hiệu bất ngờ cảnh báo viêm cầu thận cấp

Sức khỏeChủ Nhật, 05/03/2017 16:38:00 +07:00Google News

Bệnh viêm cầu thận thường gây viêm họng hoặc viêm da mủ, sưng phù hai mi mắt, phù mặt, có thể tăng huyết áp nặng ảnh hưởng lên hệ thần kinh.

Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Khoa Nội Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết bệnh viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng xảy ra khi bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn tiêu huyết Bêta nhóm A gây ra tình trạng viêm ở cầu thận.

Tác nhân gây bệnh là liên cầu khuẩn tiêu huyết Bêta, nhóm A. Tuy nhiên không phải loại nào cũng có thể gây viêm cầu thận cấp. Loại thường gặp gây viêm đường hô hấp trên là type 1, 2, 4, 12. Loại gây viêm da mủ thường gặp là type 47, 49, 55.

dau-hieu-canh-bao-ban-bi-benh-viem-cau-than

Ảnh mô phỏng một trường hợp bé trai mắc viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng. (Ảnh: edoctor)

Viêm cầu thận cấp thường xảy ra ở lứa tuổi từ 4 đến 14, ít gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và người lớn trên 20 tuổi. Theo thống kê, nam giới mắc bệnh này nhiều gấp đôi nữ. Bệnh có thể xảy ra lẻ tẻ, hoặc thành dịch.

Viêm cầu thận cấp thường gặp ở những nơi kinh tế kém phát triển, đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém, hoặc có thể phát tán trong trường học. Hiện nay tỷ lệ bệnh ngày càng giảm trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển nhờ sử dụng nguồn nước sạch có khử fluoride cùng với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt.

Bệnh khởi đầu với các triệu chứng viêm họng hoặc viêm da, sau đó vi trùng không tấn công trực tiếp lên thận mà thông qua cơ chế miễn dịch. Khi vi khuẩn xâm nhập, cơ thể chống đỡ bằng cách sinh ra kháng thể. Kháng thể kết hợp với kháng nguyên để hình thành phức hợp kháng nguyên kháng thể. Trong điều kiện bình thường hệ miễn dịch loại bỏ phức hợp này và người nhiễm vẫn khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, ở một số người có hệ miễn dịch bị rối loạn, các phức hợp kháng nguyên kháng thể không bị loại bỏ mà trôi theo dòng máu đến cầu thận bị mắc lại gây ra tổn thương và biểu hiện bệnh lý.

Biểu hiện của bệnh viêm cầu thận cấp thường bao gồm viêm họng (sốt, đau họng, amygdale sung to, nung mủ) từ một đến hai tuần, hoặc viêm da mủ với nhiều mụn mủ trên một vùng da kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Người bệnh còn bị sưng phù hai mi mắt, phù mặt, có thể lan ra toàn thân, tiểu ít, nước tiểu sậm màu như nước trà đậm hoặc màu xá xị. Tăng huyết áp cũng là triệu chứng thường gặp, bệnh nhân có thể bị tăng huyết áp nặng ảnh hưởng lên thần kinh gây lơ mơ, ngủ gà, đau đầu dữ dội, co giật, khó thở do suy tim. Mức độ nặng có thể gây ho trào bọt hồng, suy hô hấp, tử vong.

Viêm cầu thận cấp cũng gây triệu chứng toàn thân không đặc hiệu như đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau hông lưng do căng chướng bao thận. Song cũng có một số trường hợp không biểu hiện ra ngoài, chỉ phát hiện tình cờ trên xét nghiệm khi nước tiểu có nhiều đạm, máu, suy chức năng thận, kháng thể kháng vi khuẩn (ASLO) tăng cao trong máu.

Khi đã xảy ra suy thận, bác sĩ khuyên người bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động, ăn lạt (giảm muối), kiểm soát huyết áp, dùng thuốc lợi tiểu, điều trị suy tim sung huyết, điều trị các biến chứng suy thận cấp. Một số trường hợp nặng cần phải chạy thận nhân tạo cấp cứu. Chi phí điều trị trong phần lớn trường hợp này không cao. Nếu người bệnh có biến chứng đặc biệt phải chạy thận nhân tạo sẽ tốn kém hơn.

Bệnh thường có tiên lượng tốt, đặc biệt ở trẻ em. Viêm cầu thận điển hình sẽ biến mất trong từ một đến hai tuần. Tình trạng phù, tăng huyết áp sẽ khỏi khi người bệnh đi tiểu được. Các triệu chứng khác sẽ biến mất hoàn toàn sau 4 đến 6 tuần.

Đối với trẻ em, tỷ lệ tử vong trong giai đoạn cấp rất thấp. Tỷ lệ này ở người lớn có thể lên đến 25%. Tiểu ra máu có thể kéo dài đến 6 tháng nhưng hiếm khi quá một năm. Tiểu đạm nhẹ có thể trong nhiều tháng. Một số người bệnh tăng huyết áp, tiểu đạm, suy thận sau từ 10 đến 40 năm.

Để phòng bệnh này, cần cải thiện điều kiện vệ sinh và chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt. Khi phát hiện trẻ bị viêm họng hoặc viêm mủ da, không nên xem thường, không tự dùng thuốc mà phải đến khám ở bác sĩ chuyên khoa Nhi để tích cực điều trị ngay từ đầu. Người thân bị mắc bệnh cũng cần điều trị.

Trẻ mắc bệnh cần nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan trong cộng đồng. Bệnh nhi có biểu hiện phù, tiểu ít, tiểu sậm màu, tăng huyết áp thì phải đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa Thận để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc. Dù vậy, bác sĩ Thảo khuyên phụ huynh không nên quá hoang mang bởi nhìn chung đa số trường hợp mắc bệnh này đều được chữa khỏi.

Video: Đừng ăn cà chua nếu bạn không muốn bệnh thận, gout nặng lên

Đợt bùng phát dịch viêm cầu thận cấp gần đây nhất xảy ra tại xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) hồi giữa tháng 11/2016 khiến 2 học sinh tử vong, một số em khác nhập viện. Dịch bắt đầu khi một em bé 8 tuổi thuộc trường Tiểu học - Trung học cơ sở xã Hạnh Dịch nhập viện do phù, đái ít, nước tiểu sẫm màu.

Đến ngày 20/2 có 20 cháu cùng học tại trường này nhập viện với các triệu chứng tương tự, trong đó 16 bé ăn bán trú ở trường, 4 cháu ăn ở nhà. Sau hơn 3 tháng điều tra, các chuyên gia Bộ Y tế kết luận các học sinh trên đã mắc bệnh viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn, mang tính tản phát. Hiện tại đã qua 6 tuần không có trường hợp mắc mới, các bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.

(Nguồn: VnExpress)
Bình luận
vtcnews.vn