• Zalo

'Đấu giá viên giỏi nghiệp vụ mới dám ăn hối lộ, còn lơ mơ đâu dám ăn'

Thời sựThứ Năm, 19/11/2015 06:30:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng những đấu giá viên giỏi nghiệp vụ mới dám ăn hối lộ.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng những đấu giá viên giỏi nghiệp vụ mới dám ăn hối lộ.

Ngày 19/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật đấu giá tài sản.
Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu về luật đấu giá tài sản
Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu về luật đấu giá tài sản  
Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Trần Du Lịch  (TP.HCM) cho biết trước kỳ họp ông đã tiếp hàng loạt những cử tri là nạn nhân của 2 của việc đấu giá tài sản.

Ông Lịch cho rằng cần tiếp cận và xử lý theo hai hướng. Hướng thứ nhất là cố gắng minh bạch tối đa quy trình tổ chức đấu giá. Đây là gốc vấn đề để chống tiêu cực.

Hướng thứ hai là tạo ra những doanh nghiệp đấu giá để họ có thể cạnh tranh phát triển bằng uy tín.

“Trên thế giới đấu giá tồn tại bằng uy tín chứ không phải bằng tài sản nhiều. Có những công ty đấu giá những bức tranh hàng trăm triệu đô”, ông Lịch dẫn chứng.

Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh, quan trọng là yếu tố đạo đức nghề nghiệp chứ không chỉ là vấn đề nghiệp vụ.

“Những đấu giá viên ăn hối lộ, vào tù không phải không thông nghiệp vụ, mấy người này rất giỏi nghiệp vụ mới dám ăn hối lộ, còn lơ mơ không dám ăn. Thành ra chúng ta cứ nặng về nghiệp vụ mà quên rằng yếu tố này. Tôi nói những ông bị bắt về đấu giá này là những ông rất thông nghiệp vụ chứ không phải là không biết. Thành ra làm sao nhấn mạnh vấn đề đạo đức”, ông Trần Du Lịch nói.

Thứ hai, liên quan việc đó, chúng ta đi vào doanh nghiệp đấu giá, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp và công ty bản chất là hành vi thương mại.

“Trong quá trình phát triển đó, trung tâm nào không uy tín, dựa vào Nhà nước mà để làm không uy tín, không ai tới đấu giá nữa thì làm quy trình như luật này chuyển thành các doanh nghiệp.

Còn nếu tồn tại được thì cứ tồn tại, không nên loại bỏ và không nên ép buộc là phải chuyển, không nên bắt phải chín ép thế này, tôi xin thưa đây là chín ép thì không nên”, ông Lịch cho biết.

Bên cạnh đó, vị đại biểu TP.HCM cũng đề cập vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức đấu giá thực tế.

“Khổ nhất là mua hàng đấu giá về, tổ chức đấu giá đầy tiêu cực, đấu xong, người ta mua xong, vấn đề pháp lý của tài sản không chuyển giao được, không có trách nhiệm gì, lấy tiền xong là xong”, ông Lịch nói.

Vì vậy, ông Lịch đồng tình với quy định phải mua bảo hiểm. Điều này là để xử lý trách nhiệm.
Đại biểu Thân Đức Nam
Đại biểu Thân Đức Nam 
Cũng có quan điểm này, đại biểu Thân Đức Nam  (TP Đà Nẵng) cho biết từ thực trạng thực tiễn đấu giá tài sản trong thời gian vừa qua do khuôn pháp luật thiếu chặt chẽ và đạo đức của một số bộ phận đấu giá viên yếu kém, tiêu cực trong thực tiễn thi hành nhiệm vụ nên tình trạng thông đồng, quân xanh, quân đỏ trong hoạt động đấu giá, làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá, nhất là đấu giá tài sản thi hành án dân sự và gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Tình trạng thông thầu xảy ra thường xuyên và bất luận doanh nghiệp xây dựng nào cũng biết nhưng vẫn xem xét đúng quy trình thủ tục theo luật.

Từ kinh nghiệm thực tiễn thi hành Luật đấu thầu thực tế hoạt động đấu thầu, đại biểu Thân Đức Nam đề nghị dự án luật này cần phải tập trung chế định chặt chẽ, không để những chỗ hở cho những người tiêu cực lợi dụng, kể cả xem xét tính đồng bộ của các luật pháp có liên quan khác.

“Ví dụ, ở một địa phương giao cho một trung tâm đấu giá 3 ha đất, trong tiêu chí đưa ra đấu giá là phải quy hoạch khu này thành trung tâm thương mại.

Trong khi giá khởi điểm là 30 triệu đồng, tất cả các nhà đầu tư đến nghiên cứu và tham khảo thì người ta thấy ở đây không khả thi và không mua hồ sơ để đấu giá.

Sau khi không mua hồ sơ đấu giá thì có một nhà đầu tư khác đến được chỉ định mua hồ sơ này để đấu giá dự án này. Sau khi mua thì nhà đầu tư này tiếp tục mấy tháng sau về xin chuyển đổi mục đích, từ một trung tâm thương mại chuyển đổi thành chia lô, thành khoảng 6 lô, mỗi lô 5.000m2 được xây dựng chung cư và xây dựng khách sạn.

Từ 30 triệu đó trở thành 60 triệu, thay đổi một quy hoạch để trong khi đưa ra đấu giá để bẫy các nhà đầu tư khác”, đại biểu Thân Đức Nam dẫn chứng.

Đại biểu Nam cho rằng làm thất thoát đi tài sản của nhà nước ngay từ 30 triệu đến 60 triệu thì dự án này sẽ làm mất đi rất nhiều tiền ngân sách.

“Nếu đấu thầu các nhà công sản của Nhà nước mà không đưa vào quy định thì có thể thất thu nữa”, ông Nam khẳng định.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn