"Các mom ơi có ai đang bị trường hợp giống em không ạ? Đau không chịu nổi luôn. Mỗi lần ti là một cực hình…". Từ lời kêu cứu của mẹ bỉm sữa trên một group khá có tiếng, các chị em rôm rả bày cách trị thói quen xấu cắn khi bú của con.
Theo chia sẻ của người mẹ này, mỗi lần bú mẹ bé đều ngậm chặt rồi giằng, cắn khiến mẹ rất đau đớn. Trường hợp bé cắn ti mẹ không phải hiếm, mà rất nhiều người gặp phải. Có lẽ vì chung cảnh ngộ nên rất nhiều người đồng cảm với mẹ bỉm sữa này.
Một người mẹ bày cách: “Mẹ nó càng giằng ra thì càng đau. Khi con nghiến mẹ nó áp chặt mặt con vào ngực mình, con khó thở sẽ nhè ra. Nhưng áp vào nhanh rồi thả ra”.
Nhiều mẹ khác cũng cùng chung một cách xử lý như vậy. Tuy nhiên, cũng có mẹ “mạnh tay” hơn trong việc xử lý con:
“Mình tát nhẹ vào miệng con và bảo con vậy là mẹ không cho con ti nữa đâu nhé, thế là ti tiếp không cắn nhưng lần sau lại vậy mình lại làm thế”.
Không chỉ bày cách khiến bé “sợ” không dám cắn nữa, một số mẹ còn hiến kế dùng núm vú giả loại đặt được vào ti mẹ. Như vậy bé tha hồ cắn mà mẹ lại không bị đau.
Đâu là nguyên nhân khiến bé cắn mẹ khi bú?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới hành động cắn mẹ khi bú của bé.
Thứ nhất là do tư thế cho bé bú của mẹ không đúng, khoảng cách giữa con và đầu ti của mẹ hơi xa so với miệng con, khiến con bị mỏi cổ khi bú cũng dẫn tới bé sẽ cắn mẹ.
Thứ hai do khớp ngậm ti không đúng vị trí. Nếu khớp ngậm đúng, phần đầu ti của mẹ sẽ chạm tới ngạc mềm của con. Đó là vị trí thích hợp nhất giúp bé bú hiệu quả. Đồng thời, ở vị trí này nếu bé cắn mẹ thì cũng cắn luôn vào lưỡi mình. Như vậy bé sẽ tự động không cắn mẹ nữa. Ngược lại, nếu mẹ để sai vị trí, đầu ti ở vào phần cứng trên vòm miệng, khi bé cắn sẽ không trúng lưỡi nên chỉ có mẹ đau mà bé không đau.
Thứ ba do bé không tập trung khi bú. Nếu mẹ cho bú ở nơi nhiều tiếng ồn hay nhiều người qua lại thì bé dễ bị chi phối và không tập trung bú. Khi có điều gì đó hấp dẫn, bé sẽ quay mặt ra nhìn trong khi vẫn ngậm ti mẹ.
Có nhiều nguyên nhân khiến bé cắn mẹ khi bú
Thứ tư do bé bú khi đang ngủ, khi đó bé không điều khiển được cơ miệng khiến ti mẹ tuột khỏi miệng, theo phản xạ tự nhiên con sẽ cắn chặt lại để giữ.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như sữa mẹ không xuống kịp, hoặc khi bé đã bú no nên cắn mẹ cho vui. Một số bé đang giai đoạn mọc răng cũng thích gặm và cắn cho đỡ ngứa ngáy.
Làm sao để khắc phục tình trạng con cắn mẹ khi bú?
Theo các chuyên gia, để giải quyết thói xấu này của con, mẹ cần bình tĩnh và kiên nhẫn. Trước hết, khi bị bé cắn mẹ không nên la lớn sẽ khiến bé giật mình, hoặc một số bé có thể thấy điều đó là thú vị và lần sau tiếp tục cắn cho vui.
Nếu bé cắn, hãy nhẹ nhàng luồn ngón tay để gỡ hàm dưới của bé ra rồi rút ti ra và ngừng cho bé bú vài phút. Làm như vậy một vài lần bé sẽ hiểu ra rằng nếu cắn sẽ không được bú và ngừng lại. Mẹ lưu ý không rút ngay ti ra khi bé đang cắn, vì như vậy mẹ sẽ rất đau.
Video: Cận cảnh ma-nơ-canh mẹ cho con bú đầu tiên trên thế giới
Khi cho con bú, mẹ cần điều chỉnh sao cho tư thế bú của con là thoải mái nhất và đảm bảo khớp ngậm ti ở đúng vị trí. Khi bé bú nên ngả đầu con ra sau 1 chút, để cổ bé thẳng sẽ nuốt sữa mẹ dễ dàng hơn.
Nên cho bé bú ở nơi yên tĩnh, ít người qua lại để bé có sự tập trung. Nếu bé đã bú no thì hãy dừng việc cho bú.
Với những bé đang trong giai đoạn mọc răng ngứa ngáy, mẹ nên cho bé gặm thứ gì đó trước khi bú. Chẳng hạn như loại vòng dành cho các bé mọc răng, để vào ngăn mát rồi đưa cho bé gặm. Như vậy bé sẽ bớt ngứa ngáy hơn và không cắn mẹ nữa.
Bình luận