Dấu ấn mới của ngành hàng không trên Tây Bắc

Thị trườngThứ Sáu, 01/12/2023 18:29:14 +07:00
(VTC News) -

Việc máy bay phản lực Airbus A321 của Vietnam Airlines hạ cánh tại sân bay Điên Biên ngày 1/12 trở thành sự kiện quan trọng với người dân Điện Biên và vùng Tây Bắc.

Còn đối với ngành hàng không, sự kiện này góp phần đẩy nhanh mục tiêu phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng đồng thời khẳng định uy tín của Hãng hàng không quốc gia với hành khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Sân bay Điện Biên “khởi động” trở lại cũng là điểm nhấn chào đón dịp kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5/2024. Đến năm 2026, khi sân bay Sapa - Lào Cai hoàn thành vào năm 2026, theo chuẩn 4C, đáp ứng khả năng khai thác được máy bay Airbus A320 - A321 cùng với sân bay Điện Biên sẽ tạo thành mạng lưới giao thương đồng bộ của vùng Tây Bắc.

Dấu ấn mới của ngành hàng không trên Tây Bắc - 1

Hơn 6 tháng trước, sân bay Điện Biên tạm dừng hoạt động để tiến hành cải tạo và mở rộng. Mục tiêu của Dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên nhằm nâng cấp sân bay Điện Biên đáp ứng nhu cầu hiện đại, đón được dòng máy bay lớn đã hoàn thiện đúng kế hoạch theo điều chỉnh cục bộ quy hoạch cảng hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2030 ở Quyết định số 428/QĐ-BGTVT phê duyệt.

Bởi trước đó, đường băng sân bay Điện Biên dài 1.830m chỉ phù hợp với dòng máy bay cánh quạt ATR-72 nên hầu hết các chặng bay được khai thác là Hà Nội - Điện Biên. Thậm chí, nhiều chuyến bay thường xuyên rơi vào tình trạng không thể cất và hạ cánh do điều kiện thời tiết. Vì vậy, dù nhu cầu khách du lịch và các nhà đầu tư tới Điện Biên khá cao, sân bay này lại chưa thể đáp ứng được.

Thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng ghi nhận, năm 2019, Điện Biên đón khoảng 845.000 lượt khách du lịch. Số lượng khách di chuyển bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất nhỏ do trở ngại về việc đón dòng khách lưu chuyển.

Đến nay, sau khi hoàn thành, Dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã đưa quy mô đường cất hạ cánh lên độ dài 2.400m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho A321 và các dòng máy bay tương đương để đón các lượt khách ổn định dài hạn và đạt công suất kỳ vọng của nhà ga lên đến 500.000 khách/năm.

Dấu ấn mới của ngành hàng không trên Tây Bắc - 2

Đại diện hãng cho biết, Airbus A321 là dòng máy bay hiện đại và cải tiến công nghệ với số lượng ghế lớn hơn, đầu và thân máy bay được thiết kế phù hợp di chuyển trong đặc điểm thời tiết của Điện Biên.

Cấu hình máy bay A321 của Vietnam Airlines sử dụng cho đường bay tới Điện Biên gồm 3 loại: 178 ghế, 184 ghế và 203 ghế. Các tiện nghi trên tàu và dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế của Vietnam Airlines sẽ giúp nâng tầm trải nghiệm đáng kể cho hành khách trên chặng bay này.

Điện Biên được đánh giá là một tỉnh có vị trí đắc địa, nằm trọng tâm trên tuyến du lịch quốc gia của khu vực đồng thời là cầu nối giao thương của Việt Nam với các nước trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng thông qua đường hàng không.

Việc nâng cấp sân bay Điện Biên là cơ sở tạo nên hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, là động lực thu hút đầu tư, kích thích phát triển du lịch, tiền đề kéo kinh tế - xã hội địa phương "cất cánh".

Vietnam Airlines hiện đang triển khai giá vé ưu đãi (đã bao gồm thuế phí) từ Hà Nội đi Điện Biên hạng Phổ thông chỉ từ 725.000 đồng/chiều và hạng Thương gia chỉ từ 1.909.000 đồng/chiều. Vé được mở bán từ nay đến hết ngày 28/12, áp dụng cho các chuyến bay khởi hành từ ngày 02/12 đến hết ngày 28/12. Khách hàng có thể mua vé tại các phòng vé, đại lý chính thức hoặc trên website, ứng dụng di động của Vietnam Airlines.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn