Trong 3 tháng đầu năm 2017, bất động sản vùng ven Sài Gòn đua nhau tăng giá để đón đầu tuyến metro kéo dài từ TP.HCM ra 2 tỉnh Đông Nam Bộ.
Đua nhau tăng giá
Việc tuyến Metro số 1 kéo dài đến nút giao giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Dương và ga cuối sẽ đặt tại khu vực ngã tư Vũng Tàu đã tạo động lực cho những dự án nằm gần tuyến giao thông mới này rục rịch tăng giá.
Mới đây, LDG đã khởi công Trung tâm thương mại Viva Square tại Khu đô thị The Viva City. Viva Square là trung tâm thương mại kết hợp mô hình kinh doanh truyền thống và hiện đại đầu tiên tại Trảng Bom (Đồng Nai).
Một môi giới nhà đất tại Đồng Nai cho hay, những sản phẩm đất nền nằm dọc theo Quốc lộ 51 và chợ Long Thành được chào bán dày đặc và thu hút sự quan tâm lớn của khách hàng địa phương và các tỉnh, thành khác. Nếu trước đây, đất nền quanh khu này chỉ ở mức 220 - 300 triệu đồng/nền, thì nay đã tăng giá thấp nhất là 15% và cao nhất lên đến 30%. Những vị trí đẹp, giá trị lớn hơn cũng ghi nhận tỷ lệ tăng giá cao.
Tương tự, nằm ở phía Tây và Nam TP.HCM, cách trung tâm TP.HCM khoảng 30 phút chạy xe, thời gian qua, Long An cũng đã trở thành điểm ngắm của nhiều nhà đầu tư bất động sản, đặc biệt là ở các khu vực giáp ranh TP.HCM như Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa... Thậm chí, khu vực này xuất hiện những dự án có vốn đầu tư lên tới hàng chục triệu USD.
Dự án Long Hưng - Biên Hòa, nằm gần ngã tư Vũng Tàu được chào bán ra thị trường 500 nền đất sổ đỏ 100m2, giá 6,5-7 triệu đồng một m2 đã nhanh chóng hút hàng nhờ vị trí kết nối tốt với Sài Gòn. Dự án liền kề TP HCM, cách Suối Tiên 20 phút, cách trung tâm Thủ Thiêm 20 phút qua đường Cao tốc Long Thành Dầu Giây nay cộng thêm thông tin tuyến Metro số 1 sẽ kéo dài đến địa phận Đồng Nai nên chủ đầu tư đã mạnh tay tăng giá bán giai đoạn hai lên 4 đến 8 triệu mỗi m2.
Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, giá đất dự án này đã tăng khoảng một triệu đồng mỗi m2 trở lên, tỷ lệ tăng khoảng 15%. Không chỉ tăng giá, doanh nghiệp còn thay đổi chiến lược bán hàng, chỉ tung sản phẩm nhỏ giọt. Đây được xem là động thái thăm dò phản ứng của thị trường khi cơn sốt giá đất tại phía Đông Sài Gòn đang lan ra trên diện rộng.
Tăng theo tin đồn
Anh Tuấn, một môi giới bất động sản cho rằng, từ năm 2016, quận 9 là một trong những nơi để nhà đầu tư bất động sản “lướt sóng”. Người này mua rồi bán lại cho người khác và qua nhiều lần giao dịch, giá đất tăng thêm 10%-20%.
“Nếu anh không rành về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì mua rồi bán lại cho người khác để kiếm lời. Người mua sau sẽ bán cho người sau nữa và đến một lúc nào đó sẽ có người đầu tư cơ sở hạ tầng, xin phép cơ quan quản lý chuyển đổi thành đất thổ cư. Khi đó, nhiều người khác lại dồn vốn vào đất thổ cư rồi mua, bán lại cho người kế tiếp. Cứ thế, qua mỗi lần giao dịch, giá bị đội lên và hiện đất thổ cư đã lên 12 triệu đồng/m2”, anh Tuấn chia sẻ.
Một thông tin khác mà giới kinh doanh nhà đất đang bàn tán là Tập đoàn Tuần Châu có ý định xây dựng khu đô thị ở huyện Củ Chi.
Trong khi nhiều người mù mờ về ý định này thì giá đất ở Củ Chi cứ “lù lù” đi lên. Một hộ dân ở mặt tiền Quốc lộ 22 (huyện Củ Chi) cho biết trước Tết Đinh Dậu, giá đất ở nơi này chỉ khoảng 18 triệu đồng/m2 nhưng gần đây, có người chào mua 22 triệu đồng/m2. Còn đất nhỏ lẻ ở thị trấn Củ Chi đã vọt lên 10-12 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, thông tin không chính thức về một phần của huyện Bình Chánh sẽ được tách ra để thành lập quận Bình Châu; huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh được nâng cấp thành quận cũng thu hút khá nhiều người bỏ vốn vào nhà đất, giới kinh doanh lợi dụng đẩy giá bất động sản lên.
Hiện tại, giá đất ở xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh dao động 5-7 triệu đồng/m2. Thế nhưng, do nhiều người tập trung đầu tư nhà đất ở khu vực này, giới cò bất động sản tung chiêu làm giá khiến giá đất tăng chóng mặt và hiện lên tới 10 triệu/m2
Là đơn vị đầu tư bất động sản liền thổ khắp Sài Gòn và cả vùng ven, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Thăng Long, Lê Vũ Tuấn Anh đánh giá, quy mô thị trường đang vượt ra khỏi ranh giới địa lý. Điều này có nghĩa là sự sôi động của thị trường nhà đất không còn gói gọn trong đô thị sầm uất như TP.HCM mà đang tương tác mạnh mẽ ở khu vực liên vùng, lan ra các tỉnh giáp ranh, lân cận Sài Gòn nhờ cú hích hạ tầng.
Theo ông Tuấn Anh, trong 2 năm qua, những dự án cầu, đường cao tốc, vành đai và nay là metro được công bố, khởi công liên tục đón nhận tin tốt theo chiều hướng tích cực, là bàn đạp kéo giá đất vùng ven đi lên. Chuyên gia này cho rằng mức tăng giá đất vùng ven vẫn nằm trong ngưỡng chấp nhận được, 15-20%, cá biệt một số nơi tăng 30% hoặc nhiều hơn.
Hiện nay, những "đội lái" thị trường bất động sản liền thổ vùng ven chờ đón sóng hạ tầng đa phần là nhà đầu tư trường vốn, chuyên gom đất lô lớn để dành. Nhóm tay chơi này có thể chờ đợi trong khoảng thời gian dài, đủ để nhìn thấy được các dự án hạ tầng từ lúc công bố, triển khai đến thông xe khánh thành.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng khi đầu tư bất động sản theo tin đồn cũng như theo sức hút của hạ tầng. Sự "lao dốc" của bất động sản Đà Nẵng đã cho thấy lao vào cơn sốt đất có thể khiến nhà đầu tư thua lỗ đậm.
Video: Căn hộ 29m2 khiến ai cũng mơ ước
Bình luận